Từ 0h ngày 9/7, TP HCM sẽ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày để chống Covid-19. Thành phố cần tận dụng triệt để thời gian này, để giải quyết nhiều bài toán khó đặt ra cùng lúc, nhằm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm. Để tăng cường hiệu quả của chỉ thị 16, tôi cho rằng chúng ta cần chung tay làm những việc sau:
1. Người dân khi có triệu chứng giống cảm cúm, dù chỉ nhẹ trong vòng hai tuần vừa qua cần khai báo ngay để được đội ngũ y tế ưu tiên đến nhà lấy mẫu lưu động, mang đi xét nghiệm ngay lập tức. Lý do là bởi rất có thể nhiều người đã bị lây nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng, không hay biết. Chỉ có xét nghiệm chúng ta mới biết được chính xác ai bị nhiễm, để từ đó kịp thời cách ly và truy vết nhằm tìm kiếm F0 lẩn khuất trong cộng đồng.
2. Nhiều ca nhiễm đến lúc này cũng là do người dân tự đến bệnh viện thăm khám và thông qua xét nghiệm mở rộng. Cách làm này rõ ràng đưa TP HCM vào thế bị động, chưa thể đuổi kịp tốc độ lây lan rất nhanh của dịch:
- F0 không có triệu chứng và F0 có triệu chứng nhẹ sẽ không đến khám và tiếp tục âm thầm lây lan trong cộng đồng. Kể cả những người có triệu chứng rõ ràng, tâm lý chung của họ cũng là phải đợi một thời gian để các biểu hiện bệnh thật rõ ràng mới quyết định đi khám. Quãng thời gian này đủ để họ làm lây lan dịch bệnh cho rất nhiều người khác rồi.
- Xét nghiệm mở rộng rất hiệu quả để tìm ra F0 trong cộng đồng, nhất là những người không có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, do nguồn lực và công suất xét nghiệm có hạn, nên TP HCM phải ưu tiên cho các khu vực có nguy cơ rất cao và cao trước. Điều đó vô tình khiến bỏ sót các F0 ở vùng khác (không được ưu tiên), dẫn đến tình trạng lây lan mạnh và hình thành nhiều ổ dịch mới, khu nguy cơ rất cao mới, thậm chí lan ra khắp các tỉnh thành lân cận như thời gian qua.
Do đó, tôi cho rằng, TP HCM cần lập tức trang bị phương tiện để chuyển đổi các đội xét nghiệm tại chỗ thành nhiều đội xét nghiệm nhanh lưu động, lấy mẫu tận nơi, nhanh chóng, dựa trên các thông tin khai báo của người dân.
3. Thành phố cũng cần tập trung nguồn lực tối đa cho việc phát hiện các ca chỉ điểm và F0 ngoài cộng đồng. Rà soát kỹ và bỏ qua hết các xét nghiệm lãng phí khi kết quả không làm thay đổi phương án can thiệp y tế, truy vết hay cách thức cách ly. Ví dụ, người mới nhập cảnh, F0 không có triệu chứng nặng trong khu cách ly không cần phải xét nghiệp lặp lại quá nhiều lần, có thể giảm xuống hai mẫu.
Hiện nay, tại các khu vực bị phong tỏa, TP HCM triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 2-3 ngày một lần; khu vực có nguy cơ cao sẽ xét nghiệm lặp lại mỗi 5-7 ngày một lần. Điều này gây tốn nguồn lực con người và cả thời gian dập dịch. Thay vào đó, thành phố cần chuyển hướng qua ưu tiên xét nghiệm người có triệu chứng và truy vết từ đây. Bộ Y tế cũng cần tối đa hóa nguồn lực cho thành phố, không lãng phí xét nghiệm, nâng công suất của các phòng xn RT-PCR ở các địa phương khác lân cận một cách tối đa và có thể vận chuyển mẫu từ TP HCM đến để giảm tải cho khu vực trung tâm.
4. Dùng vaccine tập trung cho những khu vực nhỏ có xuất hiện đốm dịch, để đạt miễn dịch cộng đồng cho khu vực đó, nhằm giảm và cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Hai triệu liều vaccine mới nhập về, nếu đem phân bố rải rác cho cả nước thì chỉ có tác dụng đơn thuần là bảo vệ hai triệu người này. Nhưng chúng ta dùng tập trung cho khu vực nguy cơ rất cao là các khu phố hay chung cư có nhiều ca nhiễm... cho tất cả những đối tượng có đủ điều kiện tiêm trong độ tuổi, ít bệnh nền, thì sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng cục bộ, và cắt đứt chuỗi lây nhiễm ở khu vực này ngay lập tức.
5. Tăng cường xử phạt thật nghiêm, kịch khung cho những đối tượng không tuân thủ, khai báo sai sự thật. Ví dụ, khi điều tra, xác định người có triệu chứng bệnh từ trước nhưng không khai báo y tế, hoặc khai gian dối để né tránh, thì sẽ phải chịu toàn bộ chi phí điều trị, cách ly cho bản thân và những người liên quan, cộng thêm tiền phạt nếu xác định là dương tính.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.