Tôi tranh thủ đi mua thực phẩm vào ngày thứ ba của lần giãn cách xã hội toàn thành phố. 11h30 của một ngày giữa tháng 7, tôi cứ tưởng như mình đang sống trong một buổi trưa của mùng Một Tết. Chỉ khác là, các nhà đều đóng cửa, hàng quán không tấp nập các anh shipper, đường phố không hoa trưng mà tất cả đều im lìm. Thỉnh thoảng, tôi thấy có mấy chiếc xe máy chạy vụt qua thật nhanh, như tranh thủ về nhà để tránh né Covid.
Nhiều người nói rằng: "Sài Gòn đang ốm", "Sài Gòn trở bệnh"... Tôi thì nghĩ khác. Với thế hệ đầu 9X, sinh ra và được Sài Gòn nuôi lớn trên nhiều con đường, nhiều nơi chốn để lại kỷ niệm, Sài Gòn lớn hơn tôi hàng trăm tuổi, thành phố này yêu thương và gần gũi với tôi như ông, như bà vậy. Tôi đoán nhiều bạn bằng tôi cũng sẽ thương Sài Gòn giống như thế. Vậy nên, ông bà có khi càng lớn tuổi, lại càng nhõng nhẽo với con cháu, có khi cần có khoảng lặng bình yên để ngẫm nghĩ những chuyện đã qua, và tất nhiên là cần được người nhà chăm bẵm, chiều chuộng hơn trước.
Trước Covid, mọi người tấp nập với công chuyện của mình. Sáng tất bật áo quần, cắn vội ổ bánh mì, ăn nhanh gói xôi rồi rồ ga xe máy ra khỏi nhả. Khói bụi phủ kín các con đường lớn, ngay cả những cây cầu vượt cũng chịu cảnh kẹt xe. Ở khúc đèn đỏ, còn đến tận năm giây, nhưng người ta đã nhăm nhe tay ga và vọt trước. Khi đến khúc đèn xanh, chỉ còn có một giây, người ta cũng cố chạy nhanh cho qua. Chúng ta vốn có nhiều lý do cho cái sự vội vàng này, nào là deadline, nào là muộn học, nào là cho con kịp ăn sáng...
Điều đó cũng giống như ta đã vội vã ra khỏi nhà, mà quên phải chào ông bà già, để họ cứ thui thủi ở góc giường nhìn ra cửa sổ mà ngóng. Rồi, cũng đến ngày ông bà hờn dỗi, giận không thèm nói chuyện với ta. Sài Gòn này có lẽ cũng vậy. Lâu rồi có ai thèm ngắm đám mây lững thững trôi lúc chờ đèn đỏ. Lâu rồi có ai vi vu nhè nhẹ qua những khung đường rải cây xanh hay chỉ phóng vù qua rất vội vã. Rồi, cũng đến ngày Sài Gòn nhõng nhẽo, không thèm chào chúng ta trên mỗi con đường đi qua nữa.
Tôi sống ở một xóm đạo tại quận Gò Vấp. Người ta vẫn nói đùa rằng, Gò Vấp là một cú "đề-pa" của Covid-19, cũng là nơi "tiên phong" thực hiện Chỉ thị 16 - một sự tiên phong chẳng có gì lấy làm vui. Những ngày trước khi Covid-19 đến, đám trẻ con trong xóm vẫn chạy xe đạp, lái ôtô điện vòng quanh. Chúng ồn ào đến nỗi hàng xóm chỉ mong tụi trẻ mau buồn ngủ để họ cũng được yên. Sau những ngày đi làm mệt nhoài ở ngoài đường về nhà, thấy mẹ chưa nấu cơm, đám thanh niên, thiếu nữ lại hậm hực, buồn bực, rồi giận dỗi chạy lên phòng đặt thức ăn nhanh. Các cặp vợ chồng cứ tối tối lại nhìn vào màn hình điện thoại nhiều hơn là nhìn nhau. Các nhà thờ sáng chủ nhật lại réo rắt chuông giục mọi người đi lễ...
Bỗng nhiên, giờ Covid xuất hiện, Chỉ thị đến, những con đường lớn, góc xóm nhỏ tự nhiên im ắng, cửa sổ nhà nào cũng khép kín lại. Tôi cảm giác như hằng ngày mình đã hằn học với chính gia đình mình nhiều quá, để rồi khi mọi thứ trở nên tĩnh lặng, mới là lúc lòng mình được lắng nghe nhiều nhất. Bây giờ, đám trẻ con ở trong nhà chơi với bố mẹ nhiều hơn. Thanh niên làm việc từ xa cũng có thời gian làm thêm việc nhà. Vợ chồng ở nhà, mãi rồi cũng phải nhìn mặt nhau mà thương nhau. Các nhà thờ im tiếng chuông nhưng lại rộn rã tiếng Thánh Ca...
Gò Vấp đã qua cơn căng thẳng, tất nhiên vẫn không ai khinh suất cả. Nhưng giờ có lẽ, những ngày này là tín hiệu báo động cho mọi người con của thành phố đến từ "ông bà Sài Gòn". Có lẽ, chúng ta đã cằn nhằn "ông bà" quá nhiều, đã đến lúc "ông bà" cho chúng ta một bài học để tự nhìn lại bản thân mình.
Bệnh dịch, thiên tai... chắc chắn không thể nào tránh. Bởi không cách này thì cách khác, trái đất vẫn được lập trình một nút ấn "F5" khi nó đã hoạt động lên đến đỉnh điểm. Cả Sài Gòn cũng vậy, khi mọi thứ quá tải, thì những ngày lặng lẽ như thế này cũng là điều cần thiết. Chỉ là chúng ta phải làm gì mà thôi?
Thật may là chúng ta vẫn đang cùng nhau "chiều chuộng" Sài Gòn một cách tốt nhất có thể. Tôi vẫn nhớ đầu tháng 7 vừa rồi, khi đi xét nghiệm nhanh ở nhà thờ. Trời đang nóng bức lại bất chợt chuyển mưa phùn, rồi mưa to. Các nhân viên y tế vẫn gồng mình dưới mọi điều kiện thời tiết để làm xét nghiệm cho hết thảy người dân trong khu vực. Tôi thấy chạnh lòng, cổ họng hơi ran rát, không phải vì có virus trong người, mà là cảm giác biết ơn.
Tôi hiểu được không khí căng thẳng ở các bệnh viện khi bạn tôi liên tục nhắn tin cập nhật tình hình. Tôi cũng đủ cảm nhận sức nóng và sự cấp bách ở nơi tuyến đầu chống dịch. Tôi vẫn thấy, những chú, các bạn dân phòng phải túc trực ở các chốt canh, đầu ngõ khu phong tỏa một mình. Tôi mong trời ngày nào cũng nhiều mây, nhiều gió mát, đừng nắng và đừng mưa.
Tôi vẫn còn nhớ, khi khu xóm sát vách nhà mình bị phong tỏa, có nhiều mạnh thường quân đến góp sức, trợ cấp lương thực. Bây giờ, ở nhiều nơi khác, họ vẫn thương nhau như thế. Có lẽ "cơn hờn dỗi" của Sài Gòn đợt này sẽ còn kéo dài hơi lâu, nhưng tôi biết rồi nó cũng sẽ nguôi thôi mà. Tất cả những gì chúng ta cần và nên làm lúc này chỉ là bớt chút chuyện riêng tư của mình lại, giảm tốc cuộc sống của mình lại một chút, gắn kết với nhau hơn một chút, nghĩ đến nhau và cũng là nghĩ đến mình nhiều hơn một chút, rồi Sài Gòn cũng sẽ qua cơn khốn khó này mau thôi.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.