"Tôi là cán bộ cung ứng của bệnh viện. Đường từ TP HCM xuống chỗ tôi bình thường đi hết khoảng năm tiếng đồng hồ, nhưng giờ tài xế đi mất hai ngày cũng chưa tới. Chỗ tôi sử dụng một số dược phẩm cần bảo quản lạnh (từ 2-8 độ C, đóng trong thùng xốp và nước đá khô). Nay công ty dược phẩm báo rằng do đường bị tắc như vậy nên họ sẽ không giao hàng lạnh nữa vì khó bảo đảm tới tay bệnh viện còn đủ nhiệt độ quy định. Điều đó khiến chúng tôi khó khăn trăm bề".
Đó là chia sẻ của độc giả QD. Phan về những bất cập trong lưu thông hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM và các tỉnh lân cận có lưu thông nguyên vật liệu, thành phẩm với thành phố khá "chật vật" trong việc tổ chức logistics trong những ngày qua. Nguyên nhân bởi hàng loạt địa phương yêu cầu người ra vào địa giới hành chính phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, giới tài xế và doanh nghiệp hay gọi quen thuộc là "giấy thông hành".
Cùng chung khó khăn khi không thể cung ứng sản phẩm theo kế hoạch do vướng mắc, chậm trễ trong khâu kiểm tra "giấy thông hành", bạn đọc Minh Pham nhấn mạnh: "Tôi làm bên công ty chuyên về chuỗi cung ứng hàng thực phẩm và thiết yếu. Từ tuần trước đến giờ, tôi và công ty tôi rất đau đầu về việc mỗi nơi ra quy định một kiểu, nơi thì cần giấy test Covid-19 có hiệu lực trong bảy ngày, nơi thì năm ngày, nơi lại ba ngày; nơi thì yêu cầu làm giấy cam kết, nơi thì phải đăng ký thông tin tài xế với Sở công thương... Đã vừa chạy sản xuất để không làm chuỗi cung ứng đứt đoạn, nay chúng tôi phải 'chạy' các giấy tờ kia, rất mệt mỏi".
Kiến nghị cần thay đổi trong phương pháp kiểm tra, kiểm soát các xe lưu thông hàng hóa hiện nay, độc giả Manh Hung Nguyen nêu quan điểm: "Tôi đề xuất, đối với các xe vận chuyển hàng hóa, nên cho thông hành bình thường. Nếu cần thiết có thể yêu cầu giấy giấy cam kết từ phía doanh nghiệp. Chứ xe vận chuyển hàng hóa chỉ có mỗi tài xế hoặc thêm một phụ xe nữa, đi tới kho bãi giao nhận hàng của các công ty cũng đã bị kiểm tra rất chặt rồi. Việc yêu cầu 'giấy thông hành' này chỉ có giá trị lúc vừa làm xét nghiệm thôi, trong khi gây ra rất nhiều khó khăn cho lưu thông hàng hóa và sản xuất".
>> Năm thay đổi chiến thuật để dập dịch tại TP HCM
Hiện nay, nhiều tỉnh lân cận TP HCM có lệnh yêu cầu người ra vào phải có "giấy thông hành". Các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở địa phương cũng kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 của người từ TP HCM đi vào tỉnh. Ở đầu ra vào TP HCM, sáng 8/7, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP HCM đi các tỉnh, thành phố khác hoặc từ tỉnh, thành phố khác đến TP HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV. Điều này khiến hoạt động giao thương bị ùn ứ.
"Tôi cho rằng, vấn đề cần 'giấy thông hành' là quá phức tạp khi TP HCM đã giãn cách theo Chỉ thị 16. Tôi kiến nghị Bộ Y tế nên có phương án khác cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa được thuận tiện. Họ vận chuyển hàng hóa lương thực mà bị ùn ứ thế này thì thực phẩm quá hạn sử dụng sẽ hư hết, cộng thêm tình trạng giao thông kẹt xe cục bộ nữa. Ai cũng đều rất khó khăn trong lúc này", bạn đọc Tuan vu bổ sung.
Trong khi đó, gợi ý giải pháp gỡ rối, độc giả Chefdung1983 cho rằng: "Bản thân tôi thấy các cơ quan kiểm soát dịch ở tất cả các chốt nên thay đổi phương thức. Không chỉ ở TP HCM mà cả các tỉnh khác cũng nên áp dụng công nghệ vào việc kiểm soát phương tiện lưu thông, như: lắp camara, quét mã vạch như với thu vé không dừng. Như vậy sẽ không gây ra cảnh ùn tắc và hạn chế tiếp xúc giữa người với người".
Cùng chung nhận định, bạn đọc Qldaphuong nhấn mạnh: "Nên thiết kế làn riêng ưu tiên xét nghiệm cho các tài xế vận chuyển hàng hóa vật tư, thực phẩm thiết yếu, để họ lưu thông dễ dàng. Thậm chí, phải tăng ca, thời gian để xét nghiệm cho kịp. Con người còn ăn uống, sinh hoạt thì không thể thiếu được các hàng hóa thiết yếu, nếu không sẽ dẫn đến giá cả tăng vọt. Người dân đã thất nghiệp do dịch bệnh, mà nay giá cả lại tăng cao nữa thì không thể trụ được".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.