"Tôi đi lấy mẫu xét nghiệm ở Gò Vấp mà thấy hoang mang. Người ta lấy mẫu không cần biết ai tên gì, người lấy mẫu đeo một đôi găng tay lấy mẫu cho rất nhiều người. Như vậy không có nguy cơ bị lây chéo mới lạ. Các chợ tạm đóng cửa nên các siêu thị bán đồ thực phẩm rất đông. Tại sao các siêu thị không phát phiếu ra vào để kiểm soát lượng người vào trong siêu thị đảm bảo giãn cách hai mét? Tôi coi một video cảnh phát thẻ ở chợ Bình Điền, mọi người chen nhau như kiến, người phát thì đứng giữa đường, chợ không tổ chức khu vực xếp hàng giãn cách hai mét cho người dân... Thực tế số ca nhiễm thống kê mỗi ngày không giảm mà tăng cũng vì vậy".
Đó là chia sẻ của độc giả Tuyen Le trước tình hình dịch bệnh kéo dài của TP HCM. Trải qua hơn 36 ngày giãn cách xã hội với các biện pháp chống Covid-19 ở nhiều cấp độ (Chỉ thị 15, 16, 10, mở chiến dịch xét nghiệm, tiêm vaccine diện rộng...), dịch bệnh tại TP HCM vẫn không có dấu hiệu được khống chế, thậm chí số ca nhiễm còn tiếp tục tăng cao mỗi ngày, hình thành nhiều ổ dịch mới. Đến sáng 7/7, TP HCM đã ghi nhận tổng cộng 7.655 ca nhiễm, cao nhất cả nước. Điều này đặt ra câu hỏi cho chính quyền địa phương về hiệu quả của công tác chống dịch đang được áp dụng.
Cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên đến từ chính sự thiếu nghiêm túc khi chấp hành các biện pháp phòng dịch của người dân, bạn đọc Kwolf nhấn mạnh: "Tại nơi làm việc, người dân đã thực hiện nghiêm việc đơn giản nhất là đeo khẩu trang hay chưa? Tôi thấy nhiều bạn khi đi làm vẫn không đeo khẩu trang, trong khi làm chung trong môi trường máy lạnh như vậy rất dễ lây nếu để virus thoải mái phát tán như vậy. Thật buồn khi có nhiều người vô ý thức như vậy.
Tôi cho rằng nên siết lại quy định xử phạt hành chính nặng các cá nhân nếu phát hiện không đeo khẩu trang khi đi làm. Công ty nào không đảm bảo thì cho dừng hoạt động, đánh vào túi tiền thì người ta mới làm, còn trông trờ vào ý thức tự giác thì rất khó".
Đồng quan điểm, độc giả Chị Bốn nhận định: "Tôi ủng hộ đẩy mạnh các biện pháp để dập dịch. Biết là rất khổ nhưng tôi mong sớm làm triệt để để cuộc sống được trở lại bình thường. Thời gian qua, tuy TP HCM đã áp dụng chỉ thị 10, tuy nhiên tôi nhận thấy đâu đó người dân vẫn chứa thực sự nghiêm chỉnh chấp hành quy định. Tại các khu vực làm việc, văn phòng, công ty, tôi vẫn thấy nhiều bạn tụ tập nhau khi tới giờ ăn, rất rủi ro. Còn ở nhà, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy các bác, các chú ngồi cà phê sáng, uống trà nói chuyện".
"Nói chung là mọi người dân phải cách ly nghiêm túc mới cải thiện được tình hình. Chứ như hiện nay, tôi thấy có một số người vẫn rất lơ là phòng dịch, đặc biệt là mấy người ở trọ. Ngay nhà tôi là hẻm cụt, cứ chiều đến là mọi người đưa con ra chơi ở sân chung. Mỗi lần nghe thấy tiếng cười đùa bên ngoài là tôi phải đóng kín cửa. Phải cách ly nghiêm túc cả thành phố mới mong dập dịch triệt để chứ càng nửa vời, để lâu lại càng phức tạp", bạn đọc Caoluongdo2019 bổ sung.
>> 'Tôi đã chờ đợi gói 62.000 tỷ quá lâu'
Trong cuộc làm việc trực tuyến với TP HCM chiều 6/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu thành phố phải có những giải pháp dứt khoát, mạnh mẽ, triệt để hơn để sớm chấm dứt dịch, không để dây dưa kéo dài nữa. "Thành phố không được tái diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ giãn cách như một số nơi vừa qua", ông Đam yêu cầu.
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Mai Phương khẳng định: "Thời gian qua, Sài Gòn giãn cách theo kiểu nửa vời nên không hiệu quả, số ca nhiễm tăng theo từng ngày. Người ở nhà, người đi làm bình thường trong môi trường máy lạnh, vẫn tụ tập đông đúc thì không tránh khỏi việc dịch bệnh tiếp tục lây lan. Tôi ủng hộ ý kiến của ông Đam, chúng ta phải làm kiên quyết, thà đau một lần trong thời gian ngắn để dập dịch, còn hơn kéo dài cả tháng như vừa qua nhưng không có hiệu quả. Cuối cùng, chỉ làm khổ bà con dài dài".
Chỉ ra những bất cập trong việc thực hiện giãn cách xã hội tại TP HCM, bạn đọc Valak nhấn mạnh: "Tôi cho rằng vấn đề không phải là TP HCM cần áp dụng chỉ thị 10, 15, 16 hay phong tỏa toàn thành phố như nhiều người vẫn đòi hỏi. Điều quan trọng nhất sẽ quyết định thành công của cuộc chiến này là ý thức chấp hành của người dân và thậm chí cả các nhân viên y tế, những người làm công tác chống dịch của địa phương. Bởi dù có 'bế quan tỏa cảng' cả thành phố trong 14, thậm chí 21 ngày, nhưng những cá nhân trong thành phố vẫn không chấp hành quy định 5K, vẫn tụ tập đông người, chen chúc lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, đi chợ... như thời gian qua thì chẳng có biện pháp nào đạt được hiệu quả.
Tôi nhìn thấy cảnh người ta bất chấp quy định giãn cách để lao ra đường, tranh giành nhau để được xét nghiệm, được tiêm vaccine, được cấp giấy thông hành mà thấy nản. Làm như vậy thì còn gì là tác dụng và hiệu quả của giãn cách xã hội nữa? Có vẻ người dân ở Sài Gòn vẫn chưa ý thức được đâu mới là việc nên làm nhất lúc này. Thế nên số ca nhiễm mới liên tục tăng cao và ngày càng khó kiểm soát như vậy.
Phong tỏa sớm hay muộn không phải là nguyên nhân chính khiến TP HCM lún sâu vào cơn đại dịch. Tôi cho rằng, nếu mỗi người trong số chúng ta tự chấn chỉnh lại mình, tuân thủ nghiêm túc quy định 5K và giãn cách xã hội đang được áp dụng, ai ở đâu ở yên chỗ đó. Các khu vực tiêm chủng và xét nghiệm sẽ được giảm tải, lực lượng y tế sẽ không phải căng mình vừa lo hoàn thành nhiệm vụ, vừa mệt mỏi đi nhắc nhở người dân chấp hành quy định phòng dịch. Khi ấy, tôi tin tình hình sẽ được kiểm soát".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.