Trả lời:
Tỷ lệ chuyển phôi thành công phụ thuộc vào chất lượng phôi, niêm mạc tử cung (lớp tế bào mỏng trên bề mặt phía bên trong lòng tử cung), sự tương tác giữa phôi và niêm mạc tử cung, độ tuổi và một số bệnh nền của phụ nữ.
Buồng tử cung là một khoang kín với cổ tử cung đóng chặt giúp phôi sau khi được đưa vào được giữ trong buồng tử cung mà không bị rơi ra ngoài. Sau chuyển phôi, phụ nữ nên nghỉ ngơi tại giường trong khoảng 30 phút đến một giờ. Sau thời gian này, người bệnh có thể đi lại, sinh hoạt bình thường nếu không có bất thường.
Nhiều cặp đôi hiếm muộn, vô sinh thường đi lễ chùa cầu may mắn, bình an dịp đầu năm. Nhờ đó, họ cũng có thể thư thái tinh thần, giảm căng thẳng, có lợi cho giai đoạn sau chuyển phôi. Tuy nhiên, bạn cần hạn chế đi bộ quá nhiều, nhất là lên xuống các bậc thang cao, đứng quá lâu. Bởi các hoạt động này có thể gây mệt mỏi, tăng co thắt tử cung và áp lực lên vùng bụng dưới, có thể cản trở quá trình làm tổ của phôi thai. Dịp Tết, đền chùa thường tập trung đông người làm tăng nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm hoặc xảy ra va chạm.
Dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng các chất độc hại trong khói hương có thể ảnh hưởng tiêu cực sức khỏe tổng thể, từ đó gián tiếp tác động đến hiệu quả thụ thai thành công sau chuyển phôi. Các chất độc hại phát thải khi đốt hương có thể gây rối loạn hormone, mất cân bằng nội tiết, ảnh hưởng đến quá trình làm tổ của phôi thai. Tiếp xúc nhiều với khói hương có khả năng dẫn đến viêm đường hô hấp, kích ứng mắt, mũi, thậm chí xâm nhập sâu vào phổi, gây viêm nhiễm và tổn thương các mô, biến đổi tế bào.
Khí CO trong khói hương có thể kết hợp với hemoglobin trong máu, làm giảm khả năng vận chuyển oxy đến các mô, bao gồm cả tử cung, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và môi trường nuôi dưỡng phôi thai. Ngoài khói hương, khói từ các hoạt động đốt cháy giấy tiền, vàng mã cũng chứa các chất độc hại, ảnh hưởng tiêu cực tương tự đến sức khỏe.
Thông thường thời gian phôi thai làm tổ thành công là sau chuyển phôi khoảng 5 ngày. Bạn mới chuyển phôi 4 ngày, nên ưu tiên nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng. Nếu sức khỏe ổn định và không có khuyến cáo đặc biệt từ bác sĩ hỗ trợ sinh sản, bạn có thể đi lễ chùa dịp đầu năm mới. Tuy nhiên nên chọn những địa điểm gần nhà, tránh nơi có địa hình không thuận lợi.
Bạn cũng nên chọn trang phục rộng rãi, thoải mái giúp tránh cảm giác khó chịu, giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, nhất là vùng bụng để đảm bảo tuần hoàn máu tốt đến tử cung. Bạn mang theo đồ ăn nhẹ như sữa, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt để không bị đói, mệt mỏi khi lễ chùa.
Uống đủ nước giúp duy trì sức khỏe, hỗ trợ quá trình chuyển hóa tự nhiên của cơ thể, có lợi cho quá trình phôi thai làm tổ, tránh tiêu thụ thức uống chứa caffeine. Hạn chế những hoạt động gắng sức, mệt mỏi, rút ngắn thời gian di chuyển hoặc đứng làm lễ. Không nên mang vác lễ vật nặng, tốt nhất nên nhờ người thân hỗ trợ.
Chọn lễ chùa vào thời điểm ít người và không gian thoáng đãng để giảm nguy cơ tiếp xúc với khói hương, khói thuốc lá. Tránh xa nơi tập trung đông người, hạn chế nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm. Tốt nhất nên đeo khẩu trang có khả năng lọc bụi mịn. Nên lắng nghe cơ thể, nếu có dấu hiệu khó thở, chóng mặt, buồn nôn, bạn cần nhanh chóng rời khỏi khu vực đó và nghỉ ngơi ở nơi thoáng khí.
Nếu thể trạng kém, tiền sử quá kích buồng trứng, sảy thai nhiều lần, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi đi lễ chùa. Bạn cũng có thể thay thế bằng việc lễ bái, tụng kinh hoặc thiền định tại nhà.
Bác sĩ Nguyễn Khánh Huyền
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |