"Lúc đó tôi hoảng loạn, sợ đẻ con rơi xuống sàn xe", sản phụ nhớ lại. Chồng chị dừng xe ở cổng viện hô hoán giúp đỡ. Điều dưỡng Nguyễn Văn Ái, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, lên xe hỗ trợ, xác định không kịp đưa sản phụ vào phòng sinh mà phải đỡ đẻ ngay trên xe.
Bé chào đời an toàn, nặng 2,7 kg, không bị ngạt, được cắt rốn ngay trên xe. Sau đó, bé được ủ ấm, hai mẹ con chuyển đến phòng sinh để tiếp tục các thủ thuật sau sinh.
BS.CKI Nguyễn Quang Nhật, Trung tâm Sản Phụ khoa, cho biết sản phụ may mắn được đội ngũ y tế trực cấp cứu phản ứng nhanh, đỡ sinh an toàn ngay trên ôtô. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, cả mẹ và con có thể gặp biến chứng sinh ngạt, băng huyết, nhiễm trùng.
Đây là con thứ hai của vợ chồng chị Linh. Tháng 12/2016, chị sinh con đầu lòng cũng suýt đẻ rơi trên đường. Khi ấy, chị xuất hiện cơn đau chuyển dạ lúc 4h sáng, sinh con chỉ sau 20 phút nhập viện.
Theo bác sĩ Quang Nhật, nguyên nhân khiến sản phụ đẻ rơi con thường do chưa có kiến thức nhận biết dấu hiệu chuyển dạ hoặc chuyển dạ quá nhanh, nhất là với phụ nữ sinh con lần 2-3 trở đi.
Chuyển dạ sinh dọc đường, sinh trên xe rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như sản phụ băng huyết sau sinh vì không có thuốc hỗ trợ co hồi tử cung, không cầm máu được nếu rách tầng sinh môn. Sản phụ có thể bị sót nhau, sổ nhau muộn, gây băng huyết.
Bệnh viện Tâm Anh từng tiếp nhận hai trường hợp sinh trên ôtô, như chị Linh. Trong đó, một sản phụ bình tĩnh nhờ người nhà gọi đến bệnh viện bố trí kíp bác sĩ khoa Sản, Sơ sinh túc trực đón bé ngay cổng viện.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ như đau bụng, cảm giác muốn đi đại tiện, vỡ ối, cần đến bệnh viện ngay. Nếu không kịp di chuyển, gia đình gọi điện thoại đến bệnh viện đề nghị bố trí ê kíp chi viện.
Tuệ Diễm
Độc giả đặt câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |