Bữa sáng hỗ trợ người bệnh tiểu đường kiểm soát đường huyết, ảnh hưởng đến tâm trạng, năng lượng và sức khỏe tổng thể. Người bệnh cần ăn sáng đúng cách, chọn thực phẩm phù hợp. Dưới đây là những sai lầm thường gặp trong bữa sáng dễ làm biến động lượng đường trong máu.
Bỏ bữa sáng: Có nguy cơ cao hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Nếu người bệnh đang áp dụng phương pháp nhịn ăn gián đoạn, cần nhịn bữa sáng nên hỏi ý kiến bác sĩ để điều chỉnh phù hợp.
Nhịn bữa sáng làm tăng cảm giác thèm ăn. Cơn đói có thể kích thích ăn nhiều hơn vào buổi trưa và chiều, làm tăng đường huyết, dễ dẫn đến biến chứng tiểu đường. Người bệnh có thể ăn sáng nhẹ nhàng với quả mọng, bơ, táo hoặc ăn sữa chua không đường với quả tươi.
Bữa sáng ít chất xơ: Chất xơ là một phần carbohydrate khó tiêu có trong thực vật, giúp tăng cảm giác no, tốt cho tiêu hóa và tim mạch.
Chất xơ thúc đẩy sản xuất các axit béo chuỗi ngắn, góp phần điều chỉnh lượng đường trong máu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, người bị tiểu đường nên tiêu thụ lượng chất xơ tương đương người bình thường, khoảng 25-38 g mỗi ngày. Salad cải xoăn, salad cá hồi với bơ, kết hợp hạt diêm mạch, dâu tây, hạt chia, quả mọng giúp tăng lượng chất xơ cho bữa sáng.
Mỗi người nên ghi lại nhật ký tiêu thụ thực phẩm, từ đó tránh các món dễ tác động đến đường huyết.

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh, chất xơ và đạm cung cấp dinh dưỡng cho bữa sáng. Ảnh: Freepik
Bữa sáng giàu carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa: Các món ăn sáng có hàm lượng carbohydrate và chất béo bão hòa cao như cơm trắng, bánh rán, bánh nướng, bánh ngọt, bánh mì trắng, xúc xích, thịt chế biến sẵn, bơ phô mai, kem... Người tiểu đường nên hạn chế các món này vì dễ làm tăng lượng đường trong máu, không tốt cho tim.
Ăn quá nhiều: Thói quen ăn uống không cân bằng làm lượng đường trong máu thất thường. Ăn quá nhiều vào bữa sáng và bỏ bữa trưa hoặc quá nhiều vào bữa trưa để nhịn buổi tối đều làm đường huyết không ổn định. Nên chia nhỏ các bữa trong ngày, cân đối dinh dưỡng, tránh bỏ bữa.
Uống nước trái cây: Nước ép trái cây nguyên chất thường có lượng chất xơ rất thấp. Nước trái cây dễ tiêu hóa, tác động nhanh đến lượng đường trong máu. Khi đường huyết giảm, cơ thể phản ứng bằng cách tăng sản xuất insulin để đưa đường huyết về mức cân bằng. Thay vì uống nước trái cây, người bệnh nên chọn trái cây tươi nguyên chất để bổ sung chất xơ.
Anh Chi (Theo EatingWell)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |