Sa sút trí tuệ là kết quả của nhiều loại bệnh hoặc chấn thương, ảnh hưởng chủ yếu đến não. Theo WHO, chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 55 triệu người trên thế giới, trong đó, 60% ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Vào năm 2030, dự kiến số người bị sa sút trí tuệ sẽ lên tới 78 triệu người và 139 triệu người vào năm 2050.
Sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý của người bị sa sút trí tuệ mà còn cả với những người chăm sóc họ.
BS.CKII Thân Thị Minh Trung (Phó trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM) chia sẻ, mặc dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhiều hơn, song bệnh này lại không phải là một quá trình lão hóa bình thường mà còn là hậu quả một số bệnh tật. Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất và có thể chiếm 60-70% các trường hợp.
Những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do béo phì và tăng huyết áp ở tuổi trung niên; huyết áp thấp ở người cao tuổi; đái tháo đường; nhồi máu não đa ổ; tăng mỡ máu; thói quen uống rượu, dùng chất kích thích; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ; trầm cảm...
Nguyên nhân
Chứng sa sút trí tuệ là do tổn thương hoặc mất các tế bào thần kinh và các kết nối của tế bào thần kinh trong não. Tùy thuộc vào khu vực não bị tổn thương, sự ảnh hưởng của sa sút trí tuệ có thể biểu hiện và mức độ khác nhau ở mỗi người. Chứng sa sút trí tuệ thường được nhóm lại theo những điểm chung của bệnh, chẳng hạn như protein hoặc các protein lắng đọng trong não hoặc phần não bị ảnh hưởng...
Bệnh được chia làm hai loại là chứng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược do nguyên nhân thoái hóa và chứng sa sút trí tuệ không do thoái hóa hệ thần kinh.
Chứng sa sút trí tuệ (không thể đảo ngược do nguyên nhân thoái hóa)
Chứng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược do nguyên nhân thoái hóa còn gọi là chứng sa sút trí tuệ tiến triển, được chia thành nhiều loại, mỗi loại tương ứng với từng nguyên nhân và các triệu chứng cụ thể.
Các loại như bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ mạch máu (do tổn thương các mạch cung cấp máu cho não), sa sút trí tuệ thể Lewy (do những khối protein bất thường giống như quả bóng hình thành trong não gây sa sút trí tuệ). Ngoài ra còn có sa sút trí tuệ vùng trán, sa sút trí tuệ hỗn hợp, bệnh Huntington, chấn thương sọ não (TBI), bệnh Creutzfeldt-Jakob (hay còn gọi là bệnh bò điên), bệnh Parkinson.
Chứng sa sút trí tuệ không do thoái hóa hệ thần kinh
Một số nguyên nhân của chứng sa sút trí tuệ có thể đảo ngược như nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch, các vấn đề về trao đổi chất và bất thường nội tiết, thiếu hụt dinh dưỡng, tác dụng phụ của thuốc, máu tụ dưới màng cứng, nhiễm độc: tiếp xúc với các kim loại nặng như chì, thuốc trừ sâu, uống rượu nặng, dùng chất kích thích có thể dẫn đến các triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ, u não, thiếu ôxy, não úng thủy bình thường.
Dấu hiệu
Sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào tác động của bệnh và tính cách của người đó trước khi bị bệnh. Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến chứng sa sút trí tuệ có thể được hiểu theo ba giai đoạn.
Giai đoạn đầu: các triệu chứng phổ biến bao gồm hay quên, không rõ ngày tháng, trở nên lạc lõng giữa những nơi quen thuộc. Bác sĩ Trung cho biết, mọi người thường bỏ qua giai đoạn đầu của bệnh do các biểu hiện không rõ ràng, mới ở mức độ nhẹ nên rất dễ lầm tưởng với các triệu chứng "đãng trí" bình thường chẳng hạn như phụ nữ hay quên sau sinh do thiếu sắt hoặc khả năng nhớ kém hơn khi về già. Song chủ quan và sai lầm trong việc chẩn đoán này làm mất đi cơ hội được điều trị và phục hồi của người bệnh.
Giai đoạn giữa: khi sa sút trí tuệ tiến triển đến giai đoạn giữa, các dấu hiệu và triệu chứng trở nên rõ ràng hơn bao gồm không thể nhớ các sự kiện gần hoặc tên mọi người, trở nên lạc lõng trong nhà, gặp khó khăn trong giao tiếp, cần được người khác hỗ trợ trong việc chăm sóc bản thân, đi lang thang và lặp đi lặp lại một câu hỏi.
Giai đoạn muộn: giai đoạn cuối của sa sút trí tuệ, người bệnh gần như sống phụ thuộc vào gia đình vì không thể hoạt động. Các triệu chứng bao gồm rối loạn trí nhớ nghiêm trọng, không biết về thời gian và địa điểm, khó nhận ra người thân và bạn bè, ngày càng cần người khác chăm sóc cho mình, gặp khó khăn khi đi bộ, thường xuyên kích động và gây hấn.
Biến chứng
Sa sút trí tuệ nếu không được điều trị nhằm giảm bớt sự tiến triển có thể gây ra các biến nghiêm trọng như:
Dinh dưỡng kém: nhiều người bị sa sút trí tuệ dẫn đến lười ăn hoặc bỏ ăn do mất phản xạ nhai, nuốt. Tình trạng này khiến cơ thể bị thiếu hụt hoặc suy dinh dưỡng và càng làm cho chứng sa sút trí tuệ thêm nghiêm trọng, cũng như làm giảm tuổi thọ.
Viêm phổi: tình trạng khó nuốt do sa sút trí tuệ làm tăng nguy cơ mắc nghẹn hoặc hút thức ăn vào phổi, có thể gây tắc thở và viêm phổi.
Không thể tự chăm sóc bản thân: nếu sa sút trí tuệ tiến triển, người bệnh sẽ không thể sinh hoạt bình thường như tắm, mặc quần áo, chải tóc hoặc đánh răng, đi vệ sinh, dùng thuốc theo chỉ định mà không có người thân hỗ trợ.
Mất an toàn: một số tình huống hàng ngày có thể gây ra các vấn đề an toàn cho người bị sa sút trí tuệ như lái xe, nấu ăn và đi bộ một mình.
Tử vong: sa sút trí tuệ giai đoạn cuối có thể bị nhiễm trùng dẫn đến hôn mê và tử vong.
Điều trị
Bác sĩ Trung cho biết, sa sút trí tuệ là bệnh không thể chữa khỏi, cũng như không thể thay đổi quá trình tiến triển của bệnh. Nếu phát hiện sớm có thể giúp chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây bệnh và quản lý các nguyên nhân đó tốt hơn bằng việc điều trị thực thể, giúp gia đình bệnh nhân chủ động hơn trong việc chăm sóc, trông coi cũng như thông cảm, sẻ chia với người bệnh.
Phòng ngừa
Bệnh sa sút trí tuệ không thể chữa khỏi do vậy việc phòng ngừa có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ người dân khỏi chứng bệnh nguy hiểm này. Bác sĩ Trung khuyên, người dân nên chú ý tới các yếu tố sau để phòng bệnh sa sút trí tuệ:
Rèn luyện trí não: các hoạt động kích thích tinh thần như đọc sách, giải câu đố, chơi trò chơi chữ có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và làm giảm tác động của bệnh.
Hoạt động thể chất và xã hội: có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ và giảm các triệu chứng của bệnh. Theo đó, mỗi người nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần đồng thời, hạn chế ngồi lâu.
Không hút thuốc lá, dùng chất kích thích: hút thuốc, uống rượu, bia có thể làm tăng nguy cơ mất trí nhớ và các bệnh về tim mạch. Do đó, nói không với các chất này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ và cải thiện sức khỏe.
Bổ sung đủ vitamin: lượng vitamin D trong máu thấp tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Do đó, người dân nên bổ sung vitamin D thông viên uống bổ sung theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc qua thực phẩm giàu chất này như trứng, sữa, hải sản... Vitamin B và C cũng hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh này.
Quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch: huyết áp cao, tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ não, là nguyên nhân của sa sút trí tuệ mạch máu. Do đó, người dân nên điều trị huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và chỉ số khối cơ thể cao (BMI) sớm nếu mắc phải.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: chế độ ăn giàu trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và axit béo omega-3 có thể tăng cường sức khỏe và làm giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ.
Giấc ngủ chất lượng: ngủ đủ và ngon giấc 8 tiếng mỗi đêm giúp thần kinh và trí não khỏe mạnh cũng như tránh nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ. Mất ngủ, khó ngủ làm thần kinh suy yếu, có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Ngọc An