"Cách nào ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần?", đây là câu hỏi đang khiến giới chuyên gia và các nhà quản lý đau đầu tìm lời giải trong bối cảnh mỗi năm có tới 700.000 người rút BHXH một lần. Để trả lời cho bài toán này, theo tôi, chúng ta cần tìm hiểu đâu là nguyên nhân thực sự khiến nhiều người lao động rút BHXH, không chờ lĩnh lương hưu?
Thứ nhất, phải hiểu rằng, hiện nay, các doanh nghiệp luôn chọn đóng BHXH cho đa số công nhân, người lao động ở mức tối thiểu vùng để giảm tối đa chi phí. Doanh nghiệp đóng 14% vào BHXH cũng là rút từ lương trả cho người lao động ra mà thôi, chứ không phải tiền túi của họ. Đơn giản, ví dụ, doanh nghiệp dự tính lương trả người lao động là 12,2 triệu đồng một tháng, thì lương thực trả chỉ là 10 triệu đồng (2,2 triệu đồng để đóng BHXH). Nhưng khi thông báo tuyển dụng, họ luôn đề nghị mức lương 10 triệu đồng và đóng BHXH, cuối cùng vẫn là tiền của bạn mà thôi.
Tôi có một thời gian dài làm đồng thời hai công ty: một công ty đóng BHXH, một công ty không đóng. Lương tôi nhận tại công ty không đóng BHXH luôn cao hơn các bạn đồng nghiệp khác khoảng 1,5-1,8 triệu đồng một tháng, dù vị trí làm việc và bậc lương giống nhau. Nhưng do tôi chọn ký hợp đồng không đóng BHXH và có cam kết với công ty nên số tiền thực lĩnh vẫn cao hơn họ.
Như vậy, cho dù không rút BHXH một lần thì khi đủ năm nhận lương hưu, người lao động cũng chỉ nhận được mức 44-75% lương tối thiểu. Vậy là người lao động đóng đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì vẫn có mức sống thấp hơn mức tối thiểu. Như vậy liệu có sức hút và công bằng?
Trong khi đó, nhà nước đã tính toán lương tối thiểu là mức sống cơ bản tối thiểu của người dân trong khu vực đó (thực tế người ta vẫn phàn nàn rằng lương tối thiểu vùng hiện đã quá lạc hậu, không đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu của người dân). Vậy khi lương hưu chỉ bằng 45-75% mức sống tối thiểu thì thử hỏi người lao động về hưu sống kiểu gì? Lúc đó đương nhiên là họ không thể sống được bằng lương hưu.
>> 'Thiệt đủ đường vì doanh nghiệp đóng BHXH mức tối thiểu'
Chưa kể, hiện cách tính mức hưởng lương hưu là mức đóng bình quân của các năm cộng lại. Những năm đầu mới đi làm, mức lương tối thiểu thấp, sau một thời gian mới tăng dần, nhưng trung bình các năm sẽ vẫn thấp hơn mức tối thiểu tại thời điểm nhận lương hưu, nên mức tiền hưu thực lĩnh còn thấp hơn nữa. Theo tôi, đây cũng là một nguyên nhân khiến người lao động không còn mặn mà với BHXH.
Đọc quy định của BHXH, người lao động đóng đủ 20 năm nhưng phải đủ 62 tuổi mới được nhận sổ hưu và được lĩnh lương hưu. Trong khi giờ nhiều người đóng đủ 20 năm, thậm chí là hơn nhưng mới ngoài 40, 50 tuổi, tức phải đợi 10-20 năm nữa mới được lĩnh lương hưu. Vậy lấy gì ngăn họ rút một cục về lấy vốn làm ăn? Ăn bằng gì trong thời gian chờ 10-20 năm để được lĩnh đồng lương hưu ít ỏi đấy?
Đó chính là những bất cập của BHXH: đóng đủ năm, đủ tháng vẫn chỉ nhận được 75% mức lương cơ bản, vẫn không đủ sống khi về hưu; trong khi thời gian đóng lại quá dài. So sánh một cách đơn giản, họ nhận một cục rồi mang gửi ngân hàng có khi còn có lợi hơn chờ lương hưu. Chỉ khi nào BHXH khắc phục được những bất cập này, khiến người tham gia thấy được quyền lợi của mình một cách rõ ràng thì khi đó làn sóng rút một lần mới mong được chặn lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.