Câu chuyện tăng lương tối thiểu thời gian qua đang thu hút sự quan tâm từ phía dư luận. Theo đó, từ 1/7, lương tối thiểu vùng dự kiến tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay, theo thống nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng. Tuy nhiên, đó là góc nhìn từ phía người lao động, vậy giới chủ doanh nghiệp sẽ nghĩ gì về điều chỉnh này?
Nếu là người sử dụng lao động, tôi sẽ không tăng lương cho công nhân nếu mức lương hiện tại vẫn trên mức tối thiểu theo quy định. Ai thấy thấp thì cứ việc xin nghỉ, tôi sẽ hoàn toàn thay thế được người mới vào đứng dây chuyền. Vậy động lực nào để tôi tăng lương cho công nhân trong khi họ rất dễ bị thay thế trong dây chuyền?
Khi bạn không làm thì luôn có nhiều người khác sẵn sàng thay thế, điều đó cho thấy vai trò của công nhân là quá nhỏ trong hoạt động của một doanh nghiệp. Chừng nào không có ai thay chỗ được bạn, tức là mức lương thấp hơn giá trị lao động mà bạn tạo ra, thì chủ doanh nghiệp sẽ tự buộc phải tăng lương.
Lúc đó, ngày cả khi lương tối thiểu chỉ tăng 6% thì giới chủ cũng sẵn sàng phải tăng tới 60%, không cần phải kỳ kèo, để giữ chân bạn. Bởi họ sợ nếu không có bạn thì dây chuyền sản xuất sẽ không thể vận hành theo đúng kế hoạch, bản thân giới chủ doanh nghiệp cũng sẽ "đói".
Nghe qua thực tế đó thì có vẻ đau lòng, nhưng thị trường hiện tại đang vận hành như vậy. Xin đừng bao giờ đưa đời sống công nhân ra để gây áp lực với chủ doanh nghiệp, vì họ không phải nhà từ thiện và luôn có xu hướng giảm thấp nhất lương của công nhân để tạo ra thặng dư cho mình.
>> 'Thiệt đủ đường vì doanh nghiệp đóng BHXH mức tối thiểu'
Với nhiều doanh nghiệp, lương tối thiểu chỉ là cơ sở để xây dựng thang lương đóng bảo hiểm xã hội và tham chiếu để không trả thấp hơn. Tổng các khoản bảo hiểm cần đóng chiếm đến 32% lương căn bản cho nên một mức lương tối thiểu thấp sẽ giảm bớt rất nhiều chi phí.
Chủ các doanh nghiệp đa quốc gia tính toán từng đồng, từng giờ lao động. Nếu họ nhích lương lên xíu cho người lao động thì thặng dư của giới chủ sẽ hẹp lại. Nên họ sẽ viện lý do để không tăng lương, hoặc sẽ chuyển qua nước sản xuất khác có giá thành đầu vào, chi phí nhân công rẻ hơn. Lúc đó, bài toán đặt ra sẽ là người lao động không có việc làm, không có lương, chứ đừng nói tới lương không đủ sống.
Kinh tế thị trường luôn khắc nghiệt vậy đó. Lương của bạn không đủ sống nhưng giới chủ họ cũng muốn kiếm lời (từ giá nhân công). Trong cuộc chơi này, giới chủ luôn biết rằng họ trên cơ. Ai cũng nên hiểu thực tế đó để cố gắng thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại. Vậy cần làm gì để người lao động được trả thù lao cao hơn?
Cái chúng ta cần là ở cấp vĩ mô, đó là chuyển dịch lao động từ nền sản xuất thâm dụng lao động, sang sản xuất thâm dụng vốn, kỹ thuật (nâng cao chất lượng lao động). Lúc đó, công nhân có trình độ sẽ được trả lương cao hơn, xứng đáng với sức lao động họ bỏ ra. Muốn vậy, ở cấp vi mô, cần có chính sách nâng cao trình độ lao động, các gia đình cần đầu tư cho con cái có ý chí học hỏi thêm cái mới để "đầu óc làm thay tay chân".
Khi đó, chúng ta mới mong thoát được câu chuyện luẩn quẩn hiện nay. Chứ tăng lương tối thiểu 6 % có thể là cao nếu giá trị gia tăng thấp, nhưng tăng 60% cũng sẽ vẫn thấp nếu giá trị gia tăng cao. Tất cả chỉ là tương đối theo giá trị lao động thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.