Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Ruột là một ống tiêu hóa kéo dài từ phần dưới dạ dày đến hậu môn, có chức năng vận chuyển, tiêu hóa thức ăn, chống lại vi sinh vật (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng) gây hại, kiểm soát lượng nước. Thành ruột chứa số lượng lớn các tế bào thần kinh, thực hiện chức năng truyền tín hiệu đến các bộ phận khác trong cơ thể.
Ruột bao gồm nhiều bộ phận, đảm nhận nhiều chức năng chuyên biệt.
Ruột non
Ruột non có chiều dài trung bình 3-5 m (có trường hợp dài 9 m), nối trực tiếp với dạ dày. Thành trong của ruột non có cấu tạo gồm nhiều nếp gấp, làm tăng diện tích bề mặt của cơ quan.
Thức ăn được dạ dày nghiền nhỏ và biến đổi thành dạng lỏng trước khi đưa đến ruột non. Mỗi ngày, cơ quan này tiếp nhận 6-12 lít chất lỏng. Thành ruột non đảm nhận chức năng sản xuất dịch tiêu hóa hoặc enzyme, kết hợp với enzyme từ gan và tuyến tụy để phân giải thức ăn. Cấu tạo của ruột non gồm ba phần nhỏ là tá tràng, hỗng tràng, hồi tràng.
Tá tràng là phần đầu tiên của ruột non, có chiều dài ngắn nhất, khoảng 20-25 cm, thông với dạ dày qua lỗ môn vị. Chức năng chính là nhận thức ăn chưa được tiêu hóa từ dạ dày qua môn vị (phần nằm cuối dạ dày chỗ tiếp nối hành tá tràng), sử dụng dịch tiêu hóa từ túi mật, gan và tuyến tụy để tiêu hóa thức ăn.
Hỗng tràng là đoạn giữa, dài khoảng 250 cm, thông qua hoạt động co bóp để vận chuyển, tiêu hóa thức ăn và hấp thu phần lớn chất dinh dưỡng từ thức ăn đã được tiêu hóa. Phần còn lại được vận chuyển dần xuống hồi tràng.
Hồi tràng là phần cuối và dài nhất của ruột non, khoảng 300 cm, có chức năng hấp thu vitamin B12, axit mật, các thành phần dinh dưỡng còn lại, tiếp nhận phần còn lại của thức ăn đã tiêu hóa để vận chuyển vào ruột già.
Ruột già
Ruột già dài khoảng 150 cm, có kích thước lớn hơn ruột non nên được gọi là đại tràng. Chức năng chính là hấp thụ muối, nước từ thức ăn đã tiêu hóa và loại bỏ chất thải.
Khi thức ăn trộn với dịch tiêu hóa di chuyển đến ruột già, tất cả chất dinh dưỡng hầu như đã được hấp thụ hết. Phần còn lại chủ yếu là chất xơ (thường mất nhiều thời gian để tiêu hóa), tế bào chết bong ra từ niêm mạc ruột, muối, sắc tố mật và nước. Tại đây, vi khuẩn hấp thụ những chất này để tạo ra vitamin có lợi, vận chuyển vào máu hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất xơ. Cấu tạo của ruột già bao gồm:
Manh tràng là phần đầu tiên của ruột già, tiếp nhận chất lỏng đã được tiêu hóa từ hồi tràng để vận chuyển xuống phần kế tiếp.
Đại tràng là phần chính của ruột già, thực hiện chức năng tái hấp thu nước và hấp thụ muối. Cấu tạo gồm 4 phần nhỏ là đại tràng lên (nằm bên phải ổ bụng, co bóp đẩy các chất chưa được tiêu hóa từ manh tràng đến phần dưới bên phải gan), đại tràng ngang (di chuyển từ trái sang phải, nằm tầng trên của ổ bụng, thực hiện chức năng vận chuyển thức ăn), đại tràng xuống (đẩy thức ăn từ vị trí gần lá lách xuống phía dưới bên trái bụng), đại tràng sigma (hình dạng chữ S, uốn cong vào giữa ruột non, sau đó đổ vào trực tràng).
Trực tràng và hậu môn là phần cuối cùng của đường tiêu hóa, chứa các chất thải còn sót lại.
Đường ruột bị tổn thương gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Bác sĩ Khanh khuyến khích mọi người chủ động phòng ngừa bệnh lý đường ruột bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường bổ sung nhiều chất xơ (rau củ quả), cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo và tinh bột. Không ăn nhiều thịt đỏ, dùng men vi sinh để tăng lợi khuẩn, uống nhiều nước. Sinh hoạt lành mạnh bằng cách ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, bỏ thuốc lá nếu hút.
Người có triệu chứng táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đại tiện ra máu... nên đến bác sĩ khám và điều trị sớm.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |