Trả lời
Tiền đình là một trong ba hệ thống giữ thăng bằng cho cơ thể. Rối loạn tiền đình là rối loạn liên quan đến thăng bằng, xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó. Bệnh được phân chia dựa vào vị trí tổn thương gồm rối loạn tiền đình trung ương do tổn thương trong não và rối loạn tiền đình ngoại biên do tổn thương trong tai.
Triệu chứng đặc trưng là chóng mặt khi thay đổi tư thế đột ngột, buồn nôn, đau đầu, ù tai, suy giảm thính lực. Người bệnh có nguy cơ cao ngã, trầm cảm, đột quỵ...
Để chẩn đoán rối loạn tiền đình, bác sĩ thường khám lâm sàng, chỉ định chẩn đoán hình ảnh học như chụp CT, chụp MRI. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hệ thống máy đo chức năng tiền đình công nghệ ảnh động nhãn đồ VNG ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ bác sĩ đánh giá các tổn thương trong não hay trong tai. Từ đó, bác sĩ chẩn đoán chính xác, có phương pháp điều trị hiệu quả.
Tùy nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, người bệnh có thể được chữa dứt điểm hoặc chỉ được chữa một phần. Người bệnh viêm dây thần kinh tiền đình cấp, khi điều trị hết đợt viêm thì chức năng tiền đình có thể phục hồi hoàn toàn.
Người bệnh rối loạn tiền đình do thạch nhĩ lạc chỗ (một dạng của rối loạn tiền đình ngoại biên), sỏi lạc chỗ trong các ống bán khuyên ở tai trong, sẽ có bài tập tiền đình phù hợp để phục hồi, tái định vị sỏi tai. Từ đó, người bệnh khỏi hẳn chóng mặt khi thay đổi tư thế.
Rối loạn tiền đình ngoại biên có thể điều trị dứt điểm, hạn chế nguy cơ tái phát, tránh biến chứng lâu dài nếu người bệnh được điều trị đúng và tích cực. Trường hợp u chèn ép trong não (rối loạn tiền đình trung ương) gây suy chức năng tiền đình, phẫu thuật lấy hết khối u cũng chỉ giúp người bệnh phục hồi một phần hoặc giảm triệu chứng.
Khi có các dấu hiệu như chóng mặt, quay cuồng, rối loạn thị giác, thính giác, giảm khả năng tập trung..., người bệnh nên khám tại các bệnh viện có sự phối hợp chuyên khoa Tai Mũi Họng, Nội thần kinh với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Không nên tự ý điều trị, châm cứu, massage, bấm huyệt... khi chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Tự ý sử dụng thuốc hay tập luyện sai cách không có sự hướng dẫn của chuyên gia có thể khiến bệnh nặng hơn.
Bạn nên đi khám để bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiền đình và có phác đồ điều trị phù hợp. Trong cơn chóng mặt, bạn hạn chế di chuyển hay thay đổi các tư thế đầu đột ngột, nên nằm im, để cơn chóng mặt đi qua mới hoạt động lại. Người bệnh cũng có thể tập các bộ môn thể thao nhẹ nhàng như yoga, luyện khí công giúp hệ thống tiền đình được khỏe mạnh.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |