Em Hoàng Tuấn (12 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP HCM) bị rối loạn mỡ máu trên nền thể trạng thừa cân - béo phì. Tuấn phát hiện cholesterol trong máu cao sau đợt khám sức khỏe tổng quát với chỉ số mỡ máu toàn phần là 270 mg/dL (ở người bình thường là dưới 200 mg/dL), chỉ số LDL-C là 190 mg/dL (ở người bình thường là dưới 130 mg/dL). Qua khai thác bệnh sử, BS.CKI Vũ Năng Phúc, Trưởng khoa Tim bẩm sinh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, em Tuấn luôn trong tình trạng thừa cân từ nhỏ, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, món chiên rán, ít vận động.
Tương tự, Minh Khang (13 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) phát hiện rối loạn lipid máu khi khám sức khỏe. Bố mẹ em đều mắc bệnh mạch vành mạn, rối loạn lipid khi còn trẻ. Em có cân nặng bình thường, chế độ ăn sinh hoạt khoa học. Vì vậy, khả năng cao em gặp tình trạng rối loạn lipid có tính gia đình.
Khác với Tuấn và Minh Khang, bé gái Trà My (9 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM), không có tiền sử gia đình bị mỡ máu cao, cân nặng trong giới hạn bình thường, có chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm máu tổng quát phát hiện rối loạn lipid máu. Sau đó em được làm xét nghiệm gen di truyền nhằm tìm nguyên nhân rối loạn lipid máu. Kết quả cho thấy My mắc một dạng đột biến đa gen không có tính gia đình. Theo bác sĩ Phúc, bé Trà My gặp phải tình trạng rối loạn lipid máu nguyên phát, bẩm sinh.
Bác sĩ Phúc cho biết, hầu hết các bậc cha mẹ không biết chỉ số cholesterol của con mình, cho đến khi trẻ tình cờ phát hiện mỡ máu cao sau một cuộc kiểm tra sức khỏe tổng quát. Lúc này, có thể tình trạng của trẻ trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, may mắn cả 3 bé đều phát hiện bệnh sớm, chỉ số mỡ máu không quá cao so với mức cho phép và không phải thuộc nhóm nguy cơ tim mạch cao nên có thể điều chỉnh bằng thuốc uống, kết hợp với thay đổi lối sống, thói quen ăn uống khoa học hơn, khám kiểm tra lại sau 3 tháng.
Người trưởng thành không phải đối tượng duy nhất bị bệnh lý rối loạn lipid máu. Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị mỡ máu cao nếu lượng LDL-C hoặc chất béo trung tính tích tụ trong máu quá cao, trong khi lượng HDL-C quá thấp. Tình trạng này nếu kéo dài, không được phát hiện có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là vấn đề về tim mạch, khi trẻ trưởng thành. Cụ thể, mỡ máu ở trẻ sẽ dẫn đến sự hình thành mảng bám trên thành động mạch, làm thu hẹp lòng động mạch và chặn dòng máu đến tim, gây ra bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Chỉ số cholesterol bình thường và cholesterol cao quá mức cho phép được quy định như sau: (Nguồn: Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ).
Cholesterol |
mg/dL được chấp nhận |
Giới hạn mg/dL |
mg/dL cao |
Cholesterol toàn phần |
Dưới 170 |
170 - 199 |
200 trở lên |
LDL |
Dưới 110 |
110 - 129 |
130 trở lên |
Non HDL |
Dưới 120 |
120 - 144 |
145 trở lên |
ApoB |
Dưới 90 |
90 - 109 |
110 trở lên |
Triglycerides |
|||
Từ 0 đến 9 tuổi |
Dưới 75 |
75 - 99 |
100 trở lên |
Từ 10 đến 19 tuổi |
Dưới 90 |
90 - 129 |
130 trở lên |
Cholesterol |
mg/dL được chấp nhận |
Giới hạn mg/dL |
mg/dL thấp |
HDL |
Trên 45 |
40 - 45 |
40 trở xuống |
ApoA-1 |
Trên 120 |
115 - 120 |
115 trở xuống |
Nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu ở trẻ có thể do đột biến đơn gen hoặc đa gen dẫn đến việc sản xuất quá mức hoặc làm giảm thanh thải triglycerides, LDL-C, hoặc trong việc sản xuất thiếu hoặc thanh thải quá mức HDL-C; nguyên nhân thứ phát do lối sống và các yếu tố khác. Trong đó, lối sống ít vận động với chế độ ăn quá nhiều năng lượng, chất béo bão hòa, cholesterol, chất béo chuyển hóa (được sử dụng trong một số thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên rán nhiều dầu, thức ăn nhanh...) là yếu tố nguy cơ cao.
Theo bác sĩ Phúc, phương pháp hiệu quả nhất để điều trị rối loạn lipid máu ở trẻ là hướng trẻ tới một chế độ ăn uống khoa học song song với tập luyện đều đặn. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ ăn thực phẩm ít chất béo toàn phần, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol. Tổng lượng chất béo mà một đứa trẻ tiêu thụ phải bằng 30% hoặc ít hơn tổng lượng calo hàng ngày (không áp dụng với trẻ dưới 2 tuổi). Trong đó, chất béo bão hòa nên duy trì ở mức dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày và chất béo chuyển hóa thì nên tránh tối đa. Đối với những trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, chất béo bão hòa nên được hạn chế ở mức 7% tổng lượng calo còn cholesterol trong khẩu phần là 200 mg mỗi ngày.
Một số loại thực phẩm cần tăng cường trong khẩu phần ăn của trẻ là ngũ cốc không đường, trái cây, sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm bỏ da, cá béo... Trẻ tránh dùng thức ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, sản phẩm từ sữa nguyên kem...
Các em cần giữ cân nặng tương xứng với chiều cao theo tuổi, tránh tình trạng thừa cân - béo phì vì đây là tiền căn của một loạt bệnh lý đe dọa trẻ trong tương lai. Để làm điều này, bố mẹ khuyến khích trẻ tăng cường vận động, có thể tập các môn đạp xe, bơi lội, bóng đá, cầu lông... Nghiên cứu cho thấy vận động tối thiểu 30 phút/ngày sẽ giúp nâng cao mức HDL-C và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho cả gia đình.
"Nếu tình trạng bệnh nặng hoặc các biện pháp can thiệp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ xem xét sử dụng thuốc hỗ trợ khi trẻ trên 8 tuổi. Sử dụng thuốc nào tùy thuộc vào thể trạng cũng như mức độ rối loạn lipid máu của từng trẻ. Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều, không tự ý tăng/giảm liều thuốc hoặc cho trẻ ngưng uống thuốc", bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Theo Hiệp hội Nhi khoa Mỹ, trẻ em có một trong các yếu tố nguy cơ (béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, tiền sử gia đình bị tăng lipid máu nặng hoặc bệnh mạch vành sớm, phơi nhiễm thuốc lá) hoặc có các bệnh lý làm tăng nguy cơ tim mạch (rối loạn lipid máu gia đình; bệnh thận mạn; bệnh Kawasaki; cấy ghép mạch máu; ung thư; một số bệnh tim bẩm sinh như hẹp eo động mạch chủ, hẹp chủ, chuyển vị đại động mạch, bất thường mạch vành; bệnh cơ tim; bệnh hệ thống; nhiễm HIV; trầm cảm và rối loạn lưỡng cực ở trẻ vị thành niên) cần khám, xét nghiệm lipid máu khi đói mỗi 1-3 năm. Với bé không có các yếu tố nguy cơ cũng nên xét nghiệm lipid máu một lần trước tuổi dậy thì (thường là từ 9-11 tuổi) và một lần trong khoảng 17-21 tuổi.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hạ Vũ
Phòng khám Tim mạch Nhi, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thăm khám, tầm soát và điều trị các bệnh lý tim mạch cho trẻ nhỏ. Phòng khám quy tụ đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn sâu, yêu thương và hiểu tâm lý trẻ nhỏ, đảm bảo cho các bé luôn cảm thấy thoải mái, bố mẹ an tâm trong quá trình khám và điều trị.
Đặt lịch khám cho trẻ tại phòng khám Tim mạch Nhi, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 0287 102 6789/028 7300 6858
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hotline: 1800 6858
Website: https://tamanhhospital.vn