Chị Mai được phẫu thuật nội soi khâu eo cổ tử cung tại bệnh viện ở Tây Ninh để tránh nguy cơ sinh non, sảy thai. Một tháng sau, nước tiểu liên tục chảy ra từ âm đạo, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM điều trị.
Ngày 31/7, tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, cho biết chị Mai còn có biểu hiện nhiễm trùng tiểu, đau bụng và sốt... do cuộc phẫu thuật phụ khoa trước đó chưa trọn vẹn.
Bác sĩ Liên giải thích thông thường nước tiểu từ bàng quang thoát ra ngoài cơ thể qua ống niệu đạo nằm phía trên âm đạo. Trường hợp chị Mai, nước tiểu bị rò rỉ vào âm đạo qua thông nối với niệu quản. Bác sĩ chỉ định điều trị bằng mổ nội soi cắm niệu quản vào bàng quang, phục hồi đường tiểu như ban đầu.
Kết quả chụp chiếu phim phát hiện tại vị trí hốc chậu, cạnh cổ tử cung, nơi khâu eo tử cung trước đó xuất hiện một khối dịch do nước tiểu chảy rò rỉ trong thời gian dài gây nhiễm trùng, quai ruột dính do lần mổ trước. Để quá trình mổ diễn ra thuận lợi, khoa Tiết niệu phối hợp, hội chẩn với bác sĩ Sản Phụ khoa và Ngoại tổng quát.
Ê kíp phẫu thuật tạo 4 lỗ nhỏ trên bụng người bệnh để đưa các thiết bị mổ nội soi vào trong. Các bác sĩ phối hợp cắt đoạn niệu quản bị rò rỉ rồi khâu nối vào bàng quang. Ca mổ hoàn thành sau 180 phút.
Sau mổ ba ngày, chị Mai không đau, phục hồi nhanh, được xuất viện. Tái khám sau một tháng, tình trạng rò nước tiểu qua âm đạo của chị không còn. Theo bác sĩ Liên, phẫu thuật là phương pháp điều trị rò nước tiểu bàng quang - âm đạo và rò niệu quản - âm đạo tối ưu, hiệu quả 90-100%.
Rò nước tiểu âm đạo có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, thận ứ nước. Bác sĩ Phúc Liên khuyến cáo phụ nữ từng mổ sản phụ khoa xuất hiện các bất thường như chảy nước tiểu, đau bụng, nhất là siêu âm phát hiện thận ứ nước... cần chủ động đi khám sớm, tránh để tình trạng kéo dài, mức độ nghiêm trọng hơn, nguy cơ ảnh hưởng chức năng thận.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |