Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ bộ phận nào của đường tiết niệu, bao gồm niệu đạo, thận, niệu quản và bàng quang. UTI thường xảy ra khi vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường tiết niệu và bắt đầu lây lan.
Nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) là dạng UTI phổ biến. Các triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng này bao gồm cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đau ở bàng quang gây cảm giác muốn đi tiểu liên tục, tiểu khó, són tiểu, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, đau vùng chậu hoặc dạ dày.
Một số phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng bàng quang nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng chỉ xuất hiện khi nhiễm trùng lan đến thận. Thai phụ nên thường xuyên xét nghiệm nước tiểu theo khuyến cáo của bác sĩ để phát hiện sớm các trường hợp UTI trong thai kỳ, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang rất giống với UTI ở các bộ phận khác của đường tiết niệu. Do đó, khó nhận biết bộ phận nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng chỉ dựa vào các triệu chứng.
Nhiễm trùng ở niệu đạo có thể gây đau và nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch từ niệu đạo, nhưng đau bàng quang không phải là triệu chứng. Người bị nhiễm trùng thận có thể xuất hiện các triệu chứng giống nhiễm trùng bàng quang, kèm sốt, ớn lạnh và đau lưng.
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm trùng bàng quang, nhưng một số yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
Giới tính: Phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào bàng quang hoặc thận.
Mãn kinh: Phụ nữ có thể dễ bị nhiễm trùng hơn sau khi mãn kinh.
Một số biện pháp tránh thai: Sử dụng màng ngăn và bao cao su có chất diệt tinh trùng có thể khiến vi khuẩn dễ xâm nhập vào đường tiết niệu hơn.
Hình dạng niệu đạo bất thường: Sự khác biệt về mặt di truyền trong hình dạng niệu đạo có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các thiết bị y tế: Các thiết bị này cũng ảnh hưởng đến hệ tiết niệu, như ống thông tiểu, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Hoạt động tình dục: Đi tiểu sau khi quan hệ có thể đào thải vi khuẩn ra ngoài, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh mạn tính: Một số bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch như HIV và tiểu đường, khiến UTI có khả năng xảy ra nhiều hơn.
Xét nghiệm nước tiểu giúp bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng bàng quang. Phương pháp điều trị thường giống các loại nhiễm trùng tiết niệu khác (ngoại trừ nhiễm trùng thận) là dùng thuốc kháng sinh. Bệnh rất dễ tái phát. Khi đó, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm, như siêu âm hoặc nội soi bàng quang, để xác định nguyên nhân gốc rễ.
Phòng tránh bệnh bằng cách uống khoảng hai lít mỗi ngày, đi tiểu khi có nhu cầu, không nhịn tiểu, đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục, giữ vệ sinh tốt. Có thể thay đổi biện pháp tránh thai, ví dụ sử dụng bao cao su không có chất diệt tinh trùng. Trong thời gian bị nhiễm trùng, người bệnh cũng nên tránh quan hệ tình dục vì có thể đưa thêm vi khuẩn vào đường tiết niệu.
Người có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, nhất phụ nữ đang mang thai hoặc có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, nên đến bác sĩ khám sớm. Nếu xuất hiện các triệu chứng đường tiểu kèm biểu hiện sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau ở giữa lưng, nhất là khi ấn vào vùng này, người bệnh cần đến bệnh viện ngay vì có thể vi khuẩn đã lan đến thận. Nhiễm trùng thận cần điều trị y tế kịp thời, tránh các biến chứng như suy thận, nhiễm trùng máu nguy hiểm.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |