Sỏi niệu quản thường là sỏi từ thận di chuyển xuống. Sỏi nhỏ dưới 4 mm có thể theo dòng nước tiểu đào thải ra ngoài nhưng kích thước sỏi lớn hơn có thể bị mắc kẹt trong niệu quản.
BS.CKI Phan Huỳnh Tiến Đạt, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết có thể điều trị sỏi niệu quản bằng các phương pháp sau:
Thuốc có tác dụng kiểm soát cơn đau do sỏi gây ra, thúc đẩy quá trình đào thải sỏi ra ngoài cơ thể qua nước tiểu. Bác sĩ căn cứ vào tính chất sỏi để kê đơn thuốc phù hợp.
Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL): Sử dụng sóng xung kích có mức năng lượng cao xuyên qua da để sỏi vỡ thành vụn nhỏ mịn. Vụn sỏi sau đó được đào thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Phương pháp này có hiệu quả tốt với những viên sỏi kích thước 10-15 mm, độ cứng không quá lớn.
Nội soi tán sỏi ngược dòng: Sử dụng thiết bị chuyên dụng di chuyển qua niệu đạo tiếp cận sỏi tại niệu quản. Sỏi được tán vỡ vụn bằng năng lượng laser rồi được hút ra ngoài.
Mổ mở hoặc mổ nội soi: Được chỉ định trong trường hợp sỏi niệu quản quá lớn và hình dạng phức tạp, xuất hiện nhiễm trùng do sỏi, các biện pháp can thiệp ít xâm lấn hơn không hiệu quả hoặc khó tiếp cận sỏi. Hiện mổ nội soi ổ bụng hoặc hông lưng lấy sỏi được ưu tiên hơn mổ mở.
Theo bác sĩ Đạt, sỏi mắc kẹt trong niệu quản không chỉ gây đau đớn (cơn đau bão thận) mà còn làm tắc nghẽn dòng nước tiểu, dẫn đến thận ứ nước. Nếu để lâu không điều trị sỏi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như giãn đài bể thận, nhiễm trùng thận, teo nhu mô thận, hình thành sỏi thận, suy giảm chức năng thận, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh nếu nhiễm trùng đi vào máu.
Khi đột ngột khởi phát các cơn đau hông lưng dữ dội rồi hết, tiểu buốt, tiểu máu, nước tiểu đục, giảm lượng nước tiểu bất thường, buồn nôn và nôn... người bệnh cần đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa sỏi niệu quản, bác sĩ Tiến Đạt khuyến cáo uống đủ nước khoảng 2-2,5 lít mỗi ngày, tiết chế thực phẩm giàu oxalat (phô mai, củ cải trắng, chocolate, khoai tây...), hạn chế ăn mặn, giảm tiêu thụ đạm động vật, thường xuyên vận động vừa sức.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |