Qua nhiều đợt tập huấn cho nhân viên mới, tôi nhận ra một sai lầm của các bạn trẻ khi đi xin việc, khiến nhà tuyển dụng thẳng tay đánh trượt:
Hồ sơ như túi giấy lộn
Thông thường một bộ hồ sơ đầy đủ gồm có: đơn xin việc có dán ảnh, sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của chính quyền địa phương, giấy khám sức khỏe, bản sao chứng thực CCCD, sổ hộ khẩu, giấy khám sức khỏe. Tất cả các giấy tờ trên được đựng trong một túi hồ sơ. Bên ngoài túi có ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ liên hệ của bạn và tên các loại giấy tờ có bên trong.
Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều bạn trẻ khi đi xin việc không ghi rõ đầy đủ thông tin cá nhân ngoài túi hồ sơ. Nhiều khi nhận hồ sơ xin việc, tôi cm tưởng như đây không khác gì một túi giấy lộn khi các bạn nhét hết các loại giấy tờ, xếp lộn xộn, nhăn nheo vào bên trong. Từ biên lai chứng thực, biên lai nộp tiền khám sức khỏe, bản chính, bản phụ... tất cả cứ rồi tung lên. Bản thân tôi khi tiếp nhận hồ sơ lại phải sắp xếp lại, vuốt thẳng giấy tờ, tìm ghi chú các thông tin để khỏi nhầm lẫn, rất mất thời gian.
Giờ phỏng vấn 'cao su'
Một trong những lưu ý được nhắc rất nhiều trước các buổi phỏng vấn xin việc, đó là tốt nhất các bạn nên có mặt trước giờ hẹn phỏng vấn khoảng 5-10 phút. Đây là khoảng thời gian cần thiết để bạn chỉnh trang lại trang phục, đầu tóc, chuẩn bị tinh thần, tâm lý tốt nhất trước khi vào phỏng vấn. Bằng việc đến sớm một chút, nhà tuyển dụng cũng sẽ có ấn tượng tốt với bạn hơn.
Như ở công ty tôi, thông thường các ứng viên sẽ phải đến đúng giờ để làm một bài test về đơn giản về IQ. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn vô tư đến trễ với lý do rất khó chấp nhận như: "do trời mát nên em ngủ quên", "do em đi nhầm đường", "do em chở con đi học nên đến trễ"... Nghe những lời phân trần như vậy, tôi cũng chẳng còn gì để nói.
>> 'Nhiều sinh viên mới ra trường đã đòi hỏi lương cao'
Trang phục chướng mắt
Trang phục phù hợp nhất cho những buổi phỏng vấn xin việc là quần áo đơn giản, lịch sự, không nên mặc đồ màu sắc sặc sỡ, lòe loẹt. Đặc biệt, cần tuyệt đối tránh mặc áo sát nách, hở cổ quá rộng, áo ngắn hở rốn, quần thun bó sát, quá chật, quần jean rách... Với cá nhân tôi, dù bạn ứng tuyển vào vị trí nào đi chăng nữa, từ công nhân lau dọn hay nhân viên văn phòng... thì trang phục lịch sự, gọn gàng vẫn luôn là yếu tố hàng đầu bởi nó thể hiện phong thái của bạn và tạo thiện cảm, gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Đầu bù tóc rối, ám ảnh nước hoa
Kiểu tóc cũng là một yếu tố thể hiện được nét tính cách cá nhân của mỗi người. Một vài bạn đi phỏng vấn chỗ tôi với đầu tóc bết ướt như cả tuần chưa được gội hay rối bù xù như vài ngày không chải, rất mất thiện cảm. Việc xịt nước hoa quá đậm cũng rất nên tránh. Có những người xịt nước hoa đến nỗi khi bạn đó đã phỏng vấn xong ra về, mà cả công ty tôi vẫn còn ám mùi nước hoa của bạn đó.
Dè sẻn nụ cười
Rất nhiều bạn khi đến phỏng vấn với khuôn mặt tối sầm và ủ rũ, làm cho bản thân nhà tuyển dụng như chúng tôi cũng không thể thoải mái.Tôi vẫn nói vui với các ứng viên của mình rằng dù có vừa cãi lộn với chồng nhưng khi đến ứng tuyển vẫn phải tươi vui, thể hiện năng lượng tích cực. Nụ cười luôn là hành động hiệu quả nhất để chiếm được thiện cảm của người đối diện. Tuy nhiên, bạn đừng thể hiện điều đó quá mức. Thay vào đó, hãy chân thành và nhẹ nhàng, chỉ nên cười khi giới thiệu về bản thân hay khi nói lời tạm biệt sau khi buổi phỏng vấn kết thúc hoặc có điều gì đó đáng cười.
Tự tin thái quá
Phần lớn những người làm công tác tuyển dụng đều dày dặn kinh nghiệm và đôi khi chỉ nhìn vào cách bạn thể hiện, họ sẽ biết được độ trung thực của bạn đến đâu. Do đó, nói dối là điều tuyệt đối không nên làm, kể cả trong buổi phỏng vấn hay viết trong CV. Bởi lẽ ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, Internet, việc kiểm tra lại những thông tin mà bạn cung cấp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Với tôi, người có chuyên môn giỏi không hẳn là người được chọn. Thế nên, bạn cũng đừng thể hiện tự tin thái quá về chuyên môn của mình. Người tuyển dụng luôn mong muốn làm việc với những con người tích cực và những người đồng đội làm việc nhóm hiệu quả. Vì thế, hãy chú ý chào hỏi, xưng hô đầy đủ chủ ngữ, kính ngữ, cho dù người phỏng vấn nhỏ tuổi hơn bạn; mỉm cười và giao tiếp bằng mắt, chăm chú lắng nghe. Những hành động tưởng là nhỏ nhưng có thể để lại ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Cảm ơn sau khi phỏng vấn
Thực ra, đây là điều mà rất ít bạn trẻ ở Việt Nam có thói quen làm sau mỗi buổi phỏng vấn. Trước khi ra về, bạn nên nói câu "cảm ơn" đến những người vừa phỏng vấn mình. Biết đâu, trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn không được đánh giá cao, nhưng chỉ vì một câu cảm ơn lịch sự khi kết thúc, những người tuyển dụng sẽ cân nhắc để chọn bạn. Bởi, nếu bạn gửi đến họ một lời cảm ơn, bạn sẽ được ghi nhớ nhiều hơn trong mắt nhà tuyển dụng – điều này thực sự rất quan trọng trong việc bạn có cơ hội nhận được công việc từ người khác.
Hy vọng, những điều tôi vừa chia sẻ trên đây sẽ là những bài học giá trị, giúp các bạn tự tin hơn và có sự chuẩn bị tốt nhất khi đi xin việc.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.