Đọc xong bài viết "Sinh viên làm shipper vì đằng nào cũng có bằng đại học" của tác giả Master Harem, tôi thấy nó thẳng, thật, và trần trụi như thực tế vốn có và điều này chắc chắn sẽ vẫn còn tiếp tục như vậy. Vì, phụ huynh đa phần chỉ muốn con mình là số một, cứ ngỡ cho các con vào được đại học là sau này ra trường sẽ "ngồi mát ăn bát vàng", sẽ "ăn trên ngồi trốc". Phụ huynh, thậm chí cả học sinh, sinh viên, chưa bao giờ nghĩ rằng, ngoài kiến thức trên giảng đường do thầy cô giáo truyền đạt, các em còn phải được vào phòng thí nghiệm, thư viện, hoạt động ngoại khóa để bổ trợ... Những thứ đó là rèn luyện kỹ năng mềm.
Tất cả những điều đó sẽ làm nên một lao động chất lượng cao, đủ khả năng và tâm thế tìm kiếm công việc đàng hoàng, có khả năng mặc cả, trả giá sức lao động với giới chủ. Còn không thì chắc chắn sinh viên ra trường sẽ phải chấp nhận đồng tiền công "dưới giá thành". Tôi tính trung bình chi phí một tháng ăn học của một sinh viên là trung bình 10 triệu đồng. Vậy, ra trường, nhận tiền lương 12 triệu đồng có đáng? Học làm gì phí công sức của cha mẹ? Với tôi, học là phải mang lại giá trị lao động gia tăng vượt trội. Chính vì hiểu được như vậy nên con tôi phải học tử tế.
Người lao động làm ra lợi nhuận cho giới chủ. Một đồng sức lao động bỏ ra phải tạo lợi nhuận gấp ba lần trở lên cho chủ. Vậy, tiền lương, tiền công của lao động có chất lượng phải tái sản xuất sức lao động, ít nhất là nuôi được vợ con và có tích lũy. Cho nên, lương nghìn đôla quy đổi với một sinh viên mới ra trường không phải vấn đề, bởi họ có quyền "mặc cả". Nếu không thỏa mãn được nhu cầu của người làm thuê thì họ "nhảy việc".
Thế nên, mấu chốt ở đây là phải làm sao để tiền lương tiệm cận được với giá trị của sức lao động bỏ ra. Muốn vậy, gia đình và bản thân các sinh viên phải hiểu được giá trị thực sự của việc học. Từ đó, các em có thể chuẩn bị tốt tâm thế, để khi ra trường có thể tự tin tìm kiếm việc làm lương cao.
>> Mơ mộng lương nghìn đôla khi mới ra trường
Nhìn vào các yếu tố cấu thành nên giá trị một sản phẩm. Gồm sức lao động, vật tư tiêu hao, điện, nước, chi phí quản lý... Dễ dàng thấy, chi phí nguyên, nhiên vật liệu gần như không đổi. Chỉ có tiền lương là biến đổi (thực chất gọi đúng tên là tiền công). Do đó, giới chủ sẽ "dìm" đơn giá tiền lương xuống, để hòng tăng lợi nhuận. Vậy, người lao động cần tự mình trang bị tốt kiến thức chuyên ngành để mà "đấu giá" thành công về tiền lương.
Vợ tôi một ngày bán hàng vặt vãnh, cũng lời 400-500 nghìn đồng. Vậy thử hỏi, con tôi học đại học, ra đi làm chỉ nhận lương 12 triệu tháng có đáng? Chi bằng ở nhà phụ bán cho mẹ từ nhỏ, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, lại không mất tiền ăn học, có phải khỏe hơn không?
Chúng ta phải thừa nhận được một thực tế, rất nhiều sinh viên khi nhập học năm thứ nhất đã phải quay cuồng trong cuộc sống mưu sinh, để nuôi thân, nộp học phí. Thậm chí, có em còn phải gửi chút xíu tài chính về quê giúp đỡ bố, mẹ... Họ bù đầu trong các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng, vũ trường... , chấp nhận bỏ giờ học liên tục. Như thế, thời gian đâu mà vào thư viện, phòng thí nghiệm, chơi thể thao, thể dục, văn hóa, văn nghệ, đi tình nguyện, du lịch? Làm gì có chuyện đi thực tế, thực tập chuyên ngành? Cứ như vậy, sau bốn năm đại học, thử hỏi sinh viên có gì để tự tin mặc cả, trả giá lương thưởng với giới chủ?
Con tôi hiện là Trưởng phòng đầu tư chiến lược của một công ty tài chính nước ngoài. Đã đi làm được tám năm, và có sáu lần nhảy việc. Để con có được thành công đó, tôi đã xác định ngay từ đầu rằng hai điều kiện cần và đủ để sinh viên ra trường trở thành một lao động chất lượng cao, đó là bản thân con phải giỏi thực chất (kiến thức) và có một hậu phương vững vàng (tiền của cha mẹ).
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.