Tôi đi làm trái ngành, kinh nghiệm cũng khá vững, tay nghề tương đối ổn, nhanh nhẹn và linh hoạt (đồng nghiệp đánh giá thế, lãnh đạo cũng khen tôi làm việc tốt).
Vì công ty gặp khó khăn phải giải thể, tôi đi tìm một công việc mới. Mặc dù CV của tôi ổn nhưng cái đầu tiên họ nhìn vào là bằng cấp. Tới gặp nhà tuyển dụng nào, 99% là họ liếc qua bằng cấp của tôi, và chỉ hỏi xoáy vào câu hỏi là tại sao tôi lại không làm đúng nghề.
Có những người tuyển dụng chỉ nhận hồ sơ xong không hỏi gì, tôi hỏi lại một số thắc mắc thì họ cũng chỉ trả lời cho có lệ. Với kiểu phỏng vấn như vậy thì chắc chắn tôi đã trượt từ vòng ngoài vì cái họ đánh giá là bằng cấp.
Tôi thấy rất ít người quan tâm tôi có thể làm được những gì cho doanh nghiệp của họ, chỉ có vài người hỏi tôi làm gì ở công ty cũ, tại sao tôi lại nghỉ. Đặc biệt là tôi thấy công ty nào khi tuyển dụng cũng yêu cầu số năm kinh nghiệm khá cao. Thấp thì 2-3 năm, cao hơn có khi tới 5 năm, nhưng mức lương họ đưa ra thường không tương xứng. Và không phải doanh nghiệp nào cũng có chế độ nghỉ phép, thưởng, BHXH cho người lao động.
>> Lương văn phòng 8-10 triệu đồng là thấp
Vậy cần lật lại vấn đề chất lượng của người lao động và yêu cầu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chê người lao động kỹ năng kém. Vậy khi phỏng vấn cái mà họ quan tâm là gì, họ phỏng vấn những gì, họ cần gì ở người lao động? Và khi ứng viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhà tuyển dụng đưa ra rồi thì sao, họ đối xử với nhân viên thế nào, trả lương và chế độ thế nào?
Ai từng đi xin việc nhiều thì đều biết có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng rất khắt khe, yêu cầu cao cả về kinh nghiệm, trình độ, ngoại hình, tuổi tác. Nhưng trả lương thì thấp, làm việc thường xuyên thêm giờ mà không có phụ cấp, áp lực cao, không có thưởng.
Đành rằng ai bỏ tiền ra cũng muốn tận dụng hết mức sức của người lao động nhưng ít ra cái người lao động nhận lại cũng phải tương xứng.
Tôi rất buồn khi mỗi lần đi phỏng vấn là một lần thấy mặt trái của tuyển dụng. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng đề nghị mức lương cực thấp so với mức xứng đáng được nhận ở vị trí tuyển dụng chỉ để được nhận vào làm việc, để rồi sau đó không hài lòng với mức lương và nhảy việc.
Hoặc cũng có những bạn mơ tưởng đánh giá quá cao về học vấn để rồi đòi hỏi mức lương quá cao tới mức mãi không tìm được việc, chính họ đôi khi còn không biết công việc mình sẽ làm là gì, mức lương bao nhiêu là xứng đáng.
Về phía doanh nghiệp thì đương nhiên cái gì có lợi cho họ thì họ làm. Họ cần người làm việc tốt, nhưng họ không muốn trả nhiều tiền, thế nên nếu ai không biết những đòi hỏi chính đáng họ được quyền nói thì doanh nghiệp cũng "ỉm" luôn.
>> 'Ép giá' lương văn phòng 5-6 triệu
Họ chỉ trả mức lương theo mức người lao động đề nghị (đương nhiên ai cũng đề nghị thấp vì muốn có cơ hội vào làm, và họ nghĩ là khi làm quen, làm được việc rồi thì sẽ được tăng lương), sẵn sàng cắt luôn các khoản thưởng nếu nhân viên không đòi hỏi (thưởng ngày lễ).
Cũng chẳng mấy doanh nghiệp chủ động tăng lương cho những nhân viên xuất sắc hoặc khi làm ăn phát đạt.
Thông thường một nhân viên sẽ được tăng lương khi họ xin nghỉ việc vì mức lương đã không còn phù hợp với công sức lao động họ bỏ ra. Có công ty nghỉ lễ là cắt lương ngày lễ của nhân viên, thế nhưng khi làm thêm chủ nhật, thêm giờ thì họ cũng "ỉm" luôn, coi đó là việc đương nhiên nhân viên phải làm để giữ chỗ.
HA
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.