"Tại sao ở nhiều quốc gia phát triển, đặc biệt là các nước châu Âu và Mỹ, người dân làm việc nhưng vẫn có thời gian nghỉ ngơi. Trong khi đó các quốc gia châu Á càng phát triển thì áp lực công việc, kinh tế lại càng khủng khiếp? Nếu phát triển bằng cách tăng áp lực cưỡng bức và cực đoan thì tất xảy ra khủng hoảng xã hội. Một số quốc gia phát triển bằng cách này đang rơi vào khủng hoảng như Nhật Bản và tiếp theo là Hàn Quốc rồi vài chục năm nữa sẽ là Trung Quốc".
Đó là câu hỏi của độc giả Nguyễn Anh Tùng xung quanh câu chuyện về sự khác biệt trong tư duy làm việc của người châu Âu và châu Á, trong đó có Việt Nam. Chuyện làm việc đến kiệt quệ, ảnh hưởng tới sức khỏe và mất cân bằng cuộc sống đã là vấn đề nhức nhối từ lâu của dân công sở châu Á. Nhất là khi làm việc ngày đêm được coi là dấu hiệu của chăm chỉ, cống hiến và tạo đà cho thành công lâu dài theo quan niệm của người Á Đông.
Cũng rơi vào tình trạng quá tải công việc, bạn đọc Truonghoangthuyen chia sẻ: "Tôi từng làm việc cho một công ty có quy định mỗi lần đi trễ sẽ bị trừ nửa ngày lương. Mỗi khi muốn nghỉ phép, tôi phải chụp hình làm bằng chứng mới được duyệt nghỉ. Làm việc theo hợp đồng chỉ đến 17h30, nhưng thực tế, tôi toàn về nhà sớm nhất là lúc 19h. Tuy vậy, tôi cũng không dám ghi giấy tăng ca, vì nếu không sẽ bị nói là làm việc không hiệu quả. Thực tế công việc quá nhiều. Khi quyết định nghỉ việc, tôi có cảm giác như được trả tự do. Đây cũng là lý do mà hiện nay nhiều người bị stress và đột quỵ".
Lý giải về sự khác biệt trong tư duy làm việc của người châu Á và phương Tây, độc giả TMT cho rằng: "Ở châu Âu, kinh tế phát triển nên họ không đặt nặng làm việc để kiếm sống nữa. Người làm văn phòng có lương cao, nhiều ngày phép để du lịch, nghỉ ngơi. Ngoài ra, họ còn có thể chọn sự nghiệp theo thể thao, giải trí, âm nhạc, theo đam mê, nếu thành công thì cũng kiếm được kha khá. Trong khi đó, ở châu Á, nhiều người đã giàu rồi nhưng vẫn mang nặng tư duy như cũ, rằng phải làm cật lực mới có ăn. Điều đó khiến con người không được giải phóng khỏi lao động, dù tự động hóa lên ngôi. Tư duy nặng bằng cấp, địa vị đẩy người ta vào thế phải cạnh tranh để hơn người khác. Người khôn thì của khó".
Đồng quan điểm, bạn đọc Masterwarlock75 lấy dẫn chứng từ chính trải nghiệm của bản thân: "Khác biệt đến từ cách tư duy. Người phương Tây, nếu công việc gặp khó khăn, không làm kịp giờ, họ sẽ suy nghĩ cách giải quyết rút ngắn thời gian để đảm bảo giờ làm việc là tám tiếng rồi nghỉ ngơi. Trong khi đó, với tư duy châu Á, cụ thể là Việt Nam, tôi từng được một anh trưởng phòng, có bằng kỹ sư Bách khoa (một người có tri thức cao) phỏng vấn tuyển dụng. Anh nói tôi 'phải học theo văn hóa Nhật Bản, công việc khó khăn, không kịp thì phải tăng ca, lao động là vinh quang...'. Anh cũng không quên thông báo công ty không tính giờ làm tăng ca. Tôi thật sự không hiểu nhiều người nghĩ gì khi hợp đồng làm từ 8h đến 17h nhưng ngày nào cũng giữ nhân viên lại làm việc tới 18-19h mà không được hưởng thêm một đồng lương tăng ca nào".
>> Sếp trả lương 3 triệu đồng nhưng bắt tôi làm như người giúp việc
"Ngày nào trong năm cũng phải làm việc 12h một ngày (từ 9h đến 21h, sáu ngày một tuần) thì quá căng thẳng, mệt mỏi. Ở Việt Nam cũng có nhiều đơn vị đang làm việc theo kiểu như vậy. Người châu Âu, Mỹ họ làm việc tự do hơn, nên năng suất lao động cũng cao hơn. Nhờ đó, họ có nhiều thời gian cho giải trí, du lịch... Trong khi đó ở châu Á hay Việt Nam, bố mẹ thường có xu hướng tích góp để dành cho con nên làm việc không ngừng nghỉ. Cha mẹ Âu - Mỹ để cho con cái tự kiếm tiền bằng năng lực, vì vậy từ nhỏ trẻ con đã ý thức tự lực hơn trẻ châu Á, bố mẹ đỡ áp lực kiếm tiền hơn", độc giả Minh Tu Hoang nói thêm.
Khẳng định thói quen sai lầm khi đặt nặng áp lực công việc, làm việc quá tải của người Việt, bạn đọc Truongnganluong nhấn mạnh: "Trước đây, khi chưa có nhiều máy móc tự động, người ta nghĩ sẽ có ngày máy móc sẽ làm việc thay thế con người. Nhưng không phải vậy, càng có nhiều máy móc tự động thì còn người lại càng làm việc nhiều hơn, căng thẳng và bận rộn hơn. Giống như một cái máy, từ sáu tuổi đã phải bắt đầu với áp lực học tập, cõng trên lưng một đống sách vở, học ở trường, học thêm... áp lực thi các cấp... Đến lúc đi làm, chúng ta lại áp lực làm việc như một cái máy, quay cuồng với vòng xoay làm việc, tiết kiệm, mua nhà, mua xe... Đến hơn 60 tuổi về hưu, lúc đó chúng ta mới nhận ra cuộc sống của mình chẳng có gì đáng để tự hào cả. Tất cả chỉ là một chuỗi liên tục các vất vả và lo toan".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.