Xung quanh câu chuyện "Sinh viên mới tốt nghiệp ảo tưởng lương 10-15 triệu đồng", tôi cho rằng ảo tưởng hay không tùy thuộc vào cơ hội của bạn. Khi bạn có cơ hội tốt thì việc mong muốn mức lương cao sẽ không còn là ảo tưởng nữa, mà là sự thật, thực tế. Ngược lại, khi bạn không có cơ hội, đương nhiên đó là ảo tưởng.
Nói đến cơ hội, chúng ta phải quay lại thời điểm chọn nghề. Tại sao bạn lại chọn nghề này mà không phải nghề khác? Chính là vì thị trường của nó có giá trị. Bạn biết rằng khi tham ra vào thị trường đó thì công sức, thành quả, nỗ lực của bạn sẽ có giá trị cao hơn. Phần lớn các bạn trẻ khi chọn nghề đều dựa vào mức lương sau khi ra trường, tức là dựa vào thị trường. Và sau khi tốt nghiệp, bạn vẫn đang phải lựa chọn thị trường. Nếu bạn lựa chọn thị trường phù hợp thì sẽ có giá trị, có mức lương cao, còn nếu không sẽ không có giá trị, lương thấp.
Đa số các doanh nghiệp trong nước hiện tại sẽ chỉ sẵn lòng trả cho các bạn sinh viên mới ra trường mức lương 6-10 triệu đồng một tháng, vì thị trường của họ chỉ có thể đáp ứng được như vậy. Trong khi đó, các công ty nước ngoài tại Việt Nam có thể trả các bạn từ 500 đến 1.000 USD một tháng vì thị trường của họ có giá trị cao hơn. Ngay chính trong một công ty, cũng có vị trí lương cao, vị trí lương thấp, theo từng giá trị công việc mang lại. Trong khi đó, sinh viên ra trường ở Singapore có mức lương khởi điểm tối thiểu 3.000 USD một tháng, cũng là do thị trường của họ tốt hơn ta.
Do đó, mức lương của bạn phụ thuộc vào các bạn lựa chọn thị trường, chính là lựa chọn công ty, lựa chọn vị trí công việc. Vậy làm sao để có quyền lựa chọn, làm sao để lựa chọn thị trường tốt, việc lương cao? Câu trả lời chính là bạn phải tăng giá trị của bản thân. Cụ thể ở đây là bạn phải học, đạt nhiều chứng chỉ nghề nghiệp, tăng cường kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng mềm - cứng... Muốn xin việc ở thị trường nước ngoài, đi xuất khẩu lao động, làm việc cho những công ty ở đỉnh của ngành công nghiệp... tất cả đều phụ thuộc kỹ năng, năng lực của bạn.
Theo tôi, lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực:
Lúc chọn nghề: nếu bạn lựa chọn nghề nghiệp tốt, có thị trường mở rộng, có khả năng phát triển lâu dài... thì bạn sẽ có một tương lai tốt.
Lúc chọn trường đại học: nếu bạn lựa chọn trường tốt, ở đỉnh của lĩnh vực đào tạo, bạn sẽ có cơ hội học tập tốt hơn, được tiếp xúc, xây dựng nhiều mối quan hệ có giá trị cho nghề nghiệp sau này.
Lúc lựa chọn thị trường lao động: nếu bạn lựa chọn thị trường nước ngoài sẽ có giá trị cao hơn thị trường trong nước.
Lúc chọn công ty: nếu bạn lựa chọn công ty tốt, đang ở đỉnh thị trường, sẽ có lợi hơn các công ty nhỏ, chậm phát triển; lựa chọn công ty nước ngoài sẽ có mức lương cao hơn công ty trong nước.
Lúc lựa chọn vị trí công việc: Trong mỗi công ty đều có vị trí lương cao, vị trí lương thấp vì tầm quan trọng khác nhau trong cùng một thị trường công việc. Vị trí quan trọng hơn sẽ đem lại giá trị cao hơn, đi kèm với mức đãi ngộ cũng tốt hơn.
Tóm lại, mấu chốt của vấn đề vẫn chỉ nằm ở lựa chọn thị trường mà bạn tham gia, và giá trị công việc mà bạn mang lại cho công ty. Khi bạn có một lựa chọn tốt thì việc đòi hỏi một mức lương cao không còn là ảo tưởng nữa. Với các công ty có thị trường kém, bạn không thể mong họ trả một mức lương cao, nhưng khi bạn có thể lựa chọn một công ty có thị trường cao, chắc chắn họ sẽ trả cao hơn cho bạn.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.