Là một người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng, tôi nhận thấy một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z mới ra trường quả thực có nhiều dấu hỏi về năng lực và thái độ. Tôi từng phỏng vấn nhiều bạn sinh viên mới tốt nghiệp, thấy rằng các bạn có chung một vấn đề, đó là:
Thứ nhất, năng lực chưa đủ (yếu và thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng).
Thứ hai, muốn sử dụng những người này, công ty sẽ phải đào tạo lại từ đầu.
Thứ ba, các bạn luôn muốn nhận được mức lương bằng hoặc cao hơn so với bạn bè đồng trang lứa với mình.
Cụ thể, mới đây, một bạn sinh viên mới ra trường có đến ứng tuyển tại công ty của tôi. Về kỹ năng chuyên môn, bạn chỉ biết photoshop, không biết về Anim, vẽ khối, màu, layout cũng chưa tốt. Ấy vậy mà khi đề cập đến mức lương mong muốn, bạn lại đòi hỏi tới 1.200 USD một tháng, với lý do "bạn của em đang được nhận mức lương đó".
>> Đòi hỏi lòng trung thành khi phỏng vấn tuyển dụng
Tất nhiên, tôi cũng không đến mức thẳng tay loại ứng viên chỉ vì đòi hỏi lương cao. Tôi cũng cho bạn đó thử tay nghề ngay tại chỗ để xem trình độ đến đâu? Kết quả, bạn chỉ nắm được kỹ năng photoshop ở mức sử dụng tool. Tôi đánh giá năng lực của bạn chỉ bằng 70% so với một người nhận mức lương như bạn mong muốn.
Sau khi cân nhắc kỹ, tôi đưa cho bạn một đề nghị với mức lương 10 triệu đồng một tháng (tương đương với trình độ của bạn) và cam kết sau hai tháng thử việc, bạn sẽ được tăng lên mức 15 triệu đồng. Nhưng sau khi nghe đề nghị, bạn đứng lên và xin phép ra về.
Thực ra, đây là một trường hợp tiêu biểu nhất trong rất nhiều những trường hợp ảo tưởng năng lực khác của các bạn trẻ khi đi xin việc hiện nay. Nhiều người mong muốn nhận mức lương tương đương với người có 2-3 năm kinh nghiệm trong khi không biết bản thân mình có gì sau khi mới ra trường. Tự tin về năng lực của mình là điều tốt, nhưng nếu nó trở thành ảo tưởng thì sẽ là một sai lầm khiến bạn mất cơ hội tìm được việc làm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.