Tôi không biết các bạn khi phỏng vấn xin việc có bao giờ bị yêu cầu phải bày tỏ sự yêu mến, lòng trung thành với công ty không? Bản thân tôi trải qua nhiều cuộc phỏng vấn xin việc, thấy một điều rất lạ là có nhiều nhà tuyển dụng luôn yêu cầu các ứng viên phải chứng minh sự trung thành, gắn bó lâu dài với công ty.
Lúc phỏng vấn, đố ai dám thẳng thắn bày tỏ "vài năm nữa em sẽ nhảy việc". Nhưng rồi tình trạng bỏ việc và tuyển người nhảy việc từ nơi khác tới vẫn cứ diễn ra mỗi ngày đó thôi. Thậm chí, nếu ứng viên nào thật thà, không bày tỏ tinh thần yêu mến, lòng trung thành sẽ là cái cớ để nhà tuyển dụng loại sớm nếu không ưng ý.
Tôi từng gặp những câu hỏi phỏng vấn kiểu như:"Em có câu hỏi gì về công ty không?". Thực ra, câu hỏi đó là để ứng viên phải bày tỏ sự quan tâm của mình đến công ty. Nếu bạn không biết hỏi gì về công ty hoặc hỏi mấy câu ngoài lề như về các hoạt động ngoại khóa, du lịch, team building... chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ không hài lòng.
Khi đó, họ sẽ mong bạn phải hỏi những câu như:"Chế độ, chính sách cho nhân viên gắn bó lâu dài thế nào? Cơ hội thăng tiến ra sao? Định hướng phát triển của công ty...?". Thực ra, họ đang muốn bạn chứng minh rằng bản thân rất yêu mến, quan tâm và sẵn sàng gắn bó, trung thành với tổ chức. Tất nhiên, phần lớn những câu trả lời như vậy đều là giả tạo, làm màu.
>> Tâm lý 'xin việc' khiến ứng viên ở thế cửa dưới
Nhiều ứng viên còn cố bày tỏ niềm đam mê được làm việc cho công ty mới để được nhận. Nhiều người thậm chí có kế hoạch từ trước là chỉ làm vài năm rồi sẽ nhảy việc, nhưng vẫn cố diễn đủ tuồng để được trúng tuyển. Có người còn lẻo mép hết cỡ, thể hiện đủ thứ háo hức với công việc mới, miễn là được nhận vào làm việc. Dù chỉ vài năm sau đó, chính những người đó lại nhảy việc đầu tiên.
Thực tế ở Việt Nam, rất ít ứng viên phỏng vấn dám thẳng thắn nói thật quan điểm của mình rằng: "Em vào đây làm lấy kinh nghiệm vài năm rồi sẽ nhảy việc sang công ty A, công ty B", hoặc "Em dự định vài năm nữa sẽ ra mở công ty riêng". Những ứng viên càng tỏ ra thiết tha, nhiều khi lại là những người tính toán nhất ngay từ đầu, hoặc dùng mọi chiêu để được nhận. Vô tình, gần như tất cả những bạn trẻ đi phỏng vấn xin việc đều phải lươn lẹo hết mức nếu không muốn bị loại sớm.
Những lời hứa gắn bó công việc thực tế chẳng thể đem ra làm thứ ràng buộc người lao động sau này. Ấy thế mà nhiều nhà tuyển dụng vẫn cố ép ứng viên phải làm như vậy. Và cuối cùng, bất chấp tất cả, lòng trung thành vẫn được người ta đưa ra như một trong các tiêu chí hàng đầu để tuyển dụng nhân sự ở ta. Đến khi nào người sử dụng lao động mới có thể thay đổi tư duy, nghĩ thoáng hơn về câu chuyện nhảy việc, biết cách giữ chân nhân viên bằng những chính sách, chế đội đãi ngộ, định hướng phát triển công việc rõ ràng... thay vì những câu hứa hẹn vô nghĩa lúc ban đầu?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.