Năm 2018, sau sinh con thứ 2, chị Hoa đặt que tránh thai tại một phòng khám tư tại tỉnh Bình Dương. "Năm đầu sau khi ngừa thai, tôi sờ thấy que ở cánh tay, sau đó không kiểm tra nữa. Khi quá hạn dùng một năm, đi tháo thì bác sĩ chụp phim X-quang và báo phải đi bệnh viện khám vì que đã đi lạc", chị nói.
Ngày 8/6, bác sĩ CKI Nguyễn Huy Cường, Trung tâm Sản Phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết qua thăm khám lâm sàng và X-quang của bệnh nhân một năm trước, xác định que cấy không còn ở vị trí đúng của nó. Vị trí que cấy tránh thai đã nằm trong cơ cánh tay, nơi gần với vị trí que cấy một năm trước.

Hình ảnh X-quang thể hiện que tránh thai cắm vào bắp tay. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Dựa trên khám lâm sàng và hình ảnh X-quang, các bác sĩ xác định que cấy đi sâu vào trong cơ cánh tay, việc tháo que cấy phức tạp và có thể tổn thương cơ, thần kinh, mạch máu vùng cánh tay. Trung tâm Sản Phụ khoa với Trung tâm Chấn thương - Chỉnh hình BVĐK Tâm Anh TP HCM, cùng phối hợp phẫu thuật.
Để định vị chính xác vị trí que tránh thai, êkíp sử dụng hệ thống cánh tay C-Arm chụp X-quang đánh giá trước, trong và sau khi phẫu thuật. Sau khoảng hơn 30 phút can thiệp, bác sĩ đưa đưa que tránh thai kích thước bằng que diêm ra khỏi bắp tay ra ngoài an toàn. Hậu phẫu, cánh tay cử động tốt, không chấn thương hay tổn thương nhiều, chị Hoa được xuất viện trong 24 giờ.
ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đánh giá que cấy đi lạc sâu, xuyên qua bao cơ vào trong lớp cơ. May mắn, dị vật chưa chạm vào bó mạch máu - thần kinh cánh tay. Trường hợp chị Hoa, nếu không phẫu thuật gắp que tránh thai, lạc chỗ vào sâu hơn hoặc vào vùng gần mạch máu thần kinh sẽ có nguy cơ tổn thương mạch máu thần kinh khi lấy ra.
Cấy que tránh thai là biện pháp ngừa thai hiện đại, được nhiều chị em sử dụng. Que cấu tạo giống thanh mềm nhỏ, chiều dài khoảng 4 cm rộng 2 mm, chứa levonorgestrel hay etonogestrel tác dụng kéo dài 3 năm, hiệu quả ngừa thai có thể đạt 99,95%. Bác sĩ thường cấy que tránh thai dưới da cánh tay không thuận của phụ nữ, giúp que cấy ít phải di chuyển nhiều. Ngoài ra, que cấy hiện nay có chất cản quang barium, giúp xác định vị trí que cấy khi cần thiết.

Êkíp sử dụng hệ thống cánh tay C-Arm xác định vị trí dị vật khi phẫu thuật. Ảnh: Tuệ Diễm
Năm 2022, BVĐK Tâm Anh TP HCM cũng tiếp nhận trường hợp phụ nữ 26 tuổi bị lạc que tránh thai chỉ sau 2 tháng sử dụng, phải nhập viện phẫu thuật.
Theo bác sĩ Cường, nguyên nhân khiến que tránh thai khó tháo có thể do: cấy ghép sâu do sai kỹ thuật cấy, di chuyển, thuyên tắc, dự "dính" vào mô lân cận, thay đổi nhiều trọng lượng cơ thể... Ngoài ra khi xác định que cấy lạc chỗ cần được tháo ra để tránh biến chứng nguy hiểm. Y văn ghi nhận các trường hợp que cấy di chuyển đến hố nách, thành ngực, phổi,...
Ngoài ra, phụ nữ cần lưu ý, các biện pháp tránh thai như đặt vòng, cấy que tránh thai đều có hạn sử dụng. Khi đến hạn, nữ giới đến cơ sở y tế để rút dụng cụ ngừa thai và thay mới, tránh biến chứng. Trong thời gian sử dụng cần tự kiểm tra và khám phụ khoa định kỳ để xác định hiệu quả, biến chứng, vị trí của các vật liệu tránh thai.
Tuệ Diễm