Chồng công tác trong quân đội thường xuyên xa nhà, nhiều cái Tết qua chị Thủy (ngụ Thái Bình) một mình đối mặt với những lời giục giã chuyện con cái. Nhìn người thân, bạn bè đưa con đi chúc Tết, chị chạnh lòng.
Kết hôn năm 2017, chị từng có thai nhưng buộc phải đình chỉ thai kỳ ở tuần 13 do thai nhi nguy cơ cao đột biến nhiễm sắc thể, mắc hội chứng Down. Đầu năm 2018, chị đi khám phát hiện áp xe phần phụ do khối viêm tại ống dẫn trứng, phải điều trị kháng sinh dài ngày.
Chị Thủy chuyển đến sống gần đơn vị chồng đóng quân để vợ chồng có nhiều cơ hội gần gũi hơn, nhưng 6 tháng sau vẫn chưa có tin vui. Đi khám sức khỏe sinh sản, chị Thủy được chẩn đoán giãn tắc ứ dịch hai bên vòi trứng, phải phẫu thuật, ít có cơ hội mang thai tự nhiên.
Tháng 8/2020, vợ chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh Hà Nội) khám. ThS.BS Lê Quang Đô ghi nhận chị Thủy bị suy giảm dự trữ buồng trứng, chỉ số AMH còn 1.98 ng/mL (ở phụ nữ khỏe mạnh dưới 38 tuổi là khoảng 2.2-6.8 ng/ml), cần thụ tinh ống nghiệm (IVF) sớm, tránh nguy cơ không thể sinh con bằng trứng của chính mình.
Chị Thủy được kích trứng, lần chọc hút đầu tiên thu hai noãn đạt tiêu chuẩn và một noãn non. Noãn này sau đó được nuôi trưởng thành trong ống nghiệm (IVM). Họ thu được ba phôi ngày 3 nhưng chuyển phôi không thành công.
Nuôi hy vọng được đón con vào dịp Tết, tháng 6/2022, chị Thủy trở lại IVF Tâm Anh kích trứng lần hai. Bác sĩ chọc hút thu được 7 nang noãn. Vợ chồng thu được ba phôi ngày 3 chất lượng tốt. Sau quá trình chuẩn bị niêm mạc, chị được chuyển hai phôi vào buồng tử cung, phôi còn lại trữ đông. Từng ngày mong ngóng chờ kết quả đậu thai nhưng tin vui không đến, chị suy sụp.
Áp lực tâm lý đè nặng, kinh tế dần kiệt quệ, đã có lúc chị muốn bỏ cuộc nhưng chồng và gia đình động viên. Trước khi chuyển phôi lần ba, hai vợ chồng được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân thất bại ở những chu kỳ IVF trước đó. Kết quả nhiễm sắc thể đồ của chị có tăng kích thước vùng cuống vệ tinh trên nhiễm sắc thể số 14.
Mùng 10 Tết năm 2023, chị nhập viện chuyển một phôi ngày 3 còn lại vào buồng tử cung, may mắn đậu thai. Đầu tháng 10/2023, bé trai chào đời khỏe mạnh. "Lần đầu tiên kể từ ngày kết hôn, Tết này tôi mới được vui trọn vẹn vì có con", chị Thủy nói.
Theo bác sĩ Đô, cuối năm, đầu xuân là thời điểm nhiều bệnh nhân hiếm muộn lựa chọn điều trị hỗ trợ sinh sản. Ngoài việc chuẩn bị đủ kinh phí, tranh thủ thời gian nghỉ Tết, mang thai vào mùa xuân, người mẹ có nhiều cơ hội tắm nắng, tổng hợp vitamin D, tăng hấp thụ canxi, giúp tăng khả năng miễn dịch của cả mẹ lẫn bé, trẻ sinh ra khỏe mạnh.
Ngoài ra, nhiều cặp vợ chồng mong có tin vui để đón Tết. Bác sĩ Đô từng tiếp nhận không ít trường hợp cả chục năm không dám về quê ăn Tết vì chưa có con. Bác sĩ Đô cho biết căng thẳng, lo âu kéo dài góp phần gây ra tình trạng hiếm muộn hoặc giảm hiệu quả điều trị hỗ trợ sinh sản. Khi đó, phụ nữ dễ gặp hiện tượng rối loạn phóng noãn, ảnh hưởng việc thụ thai tự nhiên.
Sau 35 tuổi, khả năng thụ thai suy giảm với tốc độ nhanh. Theo tuổi tác, các tình trạng bệnh lý ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, như lạc nội mạc, viêm nhiễm tử cung... tăng khó khăn trong quá trình điều trị.
Do đó, vợ chồng không có thai sau một năm kết hôn nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản. Tùy tình trạng có thể điều trị bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh ống nghiệm (IVF) giúp sớm mang thai.
Hiện nay, tại IVF Tâm Anh, các kỹ thuật hiện đại như lọc rửa chọn tinh trùng khỏe mạnh; tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI); nuôi cấy phôi nang; trữ đông phôi, trứng, tinh trùng; sàng lọc di truyền phôi tiền làm tổ (PGT); bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP); vi phẫu tìm tinh trùng micro-TESE... có thể giúp các đôi vô sinh, hiếm muộn lâu năm, lớn tuổi, có bệnh lý phức tạp sinh con khỏe mạnh.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |