Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM), cho biết nội mạc tử cung của chị Linh dày 23 mm, trong khi độ dày bình thường khoảng 10-12 mm. Siêu âm bơm nước phát hiện tình trạng đa polyp trong lòng tử cung, nhiều khối kích thước lớn đến 2 cm, hàng chục khối kích thước nhỏ hơn tạo thành chùm. Một số vị trí viêm nhiễm gây tăng sinh nội mạc tử cung.
Polyp tử cung là sự phát triển bất thường chứa các tuyến, mô đệm và mạch máu nhô ra từ nội mạc tử cung. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ, một số trường hợp do cơ địa nhạy cảm kích thích tăng hormone estrogen, bất thường nhiễm sắc thể hoặc tình trạng viêm mãn tính ở nội mạc tử cung.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ độ tuổi sinh sản và mãn kinh, thường là những tổn thương lành tính, không triệu chứng. Tuy nhiên, khoảng 50% trường hợp có chảy máu tử cung bất thường, 35% trường hợp vô sinh. Nếu không được can thiệp, polyp tử cung có thể gây chuyển phôi thất bại khi điều trị thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Theo bác sĩ Vỹ, phương pháp điều trị thường là phẫu thuật nội soi cắt polyp, tỷ lệ tái phát khoảng 15% và không đảm bảo tỷ lệ có thai tự nhiên sau can thiệp. Vợ chồng chị Linh quyết định điều trị polyp và thụ tinh ống nghiệm.
Chị Linh được kích thích buồng trứng nhẹ, chọc hút được 31 trứng trưởng thành. Chuyên viên phôi học lựa chọn tinh binh khỏe mạnh của người chồng tiêm vào bào tương trứng (kỹ thuật ICSI), nuôi cấy được 3 phôi tốt, trữ đông.
Chị Linh được phẫu thuật nội soi buồng tử cung cắt polyp, lấy mô xét nghiệm, ghi nhận viêm nội mạc tử cung mãn tính nặng. Đây có thể đây là nguyên nhân khiến tăng sinh nội mạc tử cung xuất hiện polyp. Sau phẫu thuật, chị được điều trị viêm bằng kháng sinh kéo dài hai tháng.
Chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện, bác sĩ chuyển một phôi vào lòng tử cung giúp chị đậu thai. Cuối tháng 4/2024, bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng gần 3 kg.
Theo bác sĩ Vỹ, tại IVF Tâm Anh TP HCM, polyp tử cung chiếm khoảng 15% bệnh nhân vô sinh hiếm muộn.
Các nguyên nhân vô sinh khác như bất thường ở buồng trứng (ứ dịch, tắc ống dẫn trứng), suy buồng trứng sớm, lạc nội mạc tử cung, mất cân bằng nội tiết rối loạn phóng noãn, bất thường nhiễm sắc thể, di truyền... Nhiều bệnh lý không có biểu hiện rõ ràng, diễn tiến âm thầm, khó phát hiện. Do đó, phụ nữ khi kết hôn một năm chưa có thai (6 tháng với trường hợp ngoài 35 tuổi) nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị sớm, tăng khả năng có con.
Hoài Thương
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |