Dây thanh âm là hai nếp gấp được làm bằng mô màng, nằm ở giữa thanh quản, có vai trò hỗ trợ tạo ra tiếng nói, hát, la hét và tiếng ồn. Các nốt phát âm hình thành trên dây thanh âm, nơi có độ căng và độ rung lớn nhất.
Dây thanh âm dễ tổn thương nếu bị căng quá mức do sử dụng giọng nói cường độ cao, liên tục dẫn đến hình thành polyp dây thanh.
Polyp dây thanh không phải là ung thư nhưng chúng có thể sưng lên và cứng lại. Các nốt sần không được điều trị càng phát triển, to lên.
Yếu tố nguy cơ
Polyp dây thanh phổ biến nhất ở phụ nữ trẻ và bé trai trước tuổi vị thành niên do hình dạng thanh quản khác nhau.
Ca sĩ, giáo viên, luật sư, diễn giả, người sử dụng giọng nói nhiều với cường độ cao gây căng thẳng nhiều cho dây thanh âm cũng dễ hình thành các polyp dây thanh.
Các tình trạng khác có thể gây ra các nốt thanh quản bao gồm:
- Ho liên tục.
- Trào ngược axit hoặc GERD.
- Dị ứng.
- Nói với âm lượng lớn.
- Hút thuốc.
- Viêm xoang.
- Suy giáp.
- Uống quá nhiều rượu hoặc cà phê.
Triệu chứng
Pylyp dây thanh thường không đau, chỉ có thể khiến giọng nói bị rè hoặc đứt quãng. Chúng cũng có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng. Triệu chứng xảy ra do các nốt sần giữ cho dây thanh âm rung động không hoạt động như bình thường. Các triệu chứng khác như sau:
- Giọng nói thô hoặc khàn.
- Cơn đau truyền từ tai này sang tai khác.
- Cảm giác như có khối u ở cổ họng.
- Đau ở cổ.
- Không có khả năng thay đổi cao độ giọng nói.
- Mệt mỏi.
Chẩn đoán, điều trị
Nếu xuất hiện những triệu chứng trên, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân. Bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Đầu tiên, bác sĩ quan sát hoặc nội soi để xem xét có các nốt sần trên dây thanh không. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết bằng cách lấy một mẫu mô nhỏ để kiểm tra và xác định khối u đó không phải là ung thư.
Nếu nốt sần không phải ung thư, người bệnh được chỉ định chăm sóc dây thanh âm, không làm căng thẳng dây thanh bằng cách:
- Tránh la hét.
- Uống nhiều nước.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.
- Kiểm soát các triệu chứng trào ngược và dị ứng.
Hoặc trị liệu giọng nói, tức chuyên gia về giọng nói hướng dẫn cách sử dụng dây thanh âm để lành nhanh, phòng ngừa tổn thương trong tương lai.
Phòng bệnh
Để phòng nguy cơ phát triển tổn thương dây thanh âm, người có nguy cơ cao nên lưu ý các điều sau:
- Tránh hát hoặc nói quá nhiều.
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Hạn chế uống rượu quá mức.
- Hạn chế tiêu thụ quá nhiều caffeine.
- Không hút thuốc.
- Uống nhiều nước.
- Rửa tay thường xuyên.
- Ngủ đủ giấc.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để giữ cho dây thanh âm ẩm.
- Giảm căng thẳng.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |