Trả lời:
Polyp dạ dày là những khối tế bào hình thành trên lớp niêm mạc nhô vào trong lòng dạ dày. Hầu hết polyp dạ dày lành tính, một số ít có nguy cơ chuyển thành ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày phần lớn xuất phát từ các tổn thương chuyển sản ruột, loét.
Polyp dạ dày được phân chia làm ba loại chính gồm polyp tuyến đáy vị, polyp tăng sản và polyp u tuyến. Tùy thuộc kích thước, tính chất của từng loại polyp, bác sĩ tư vấn và chỉ định cụ thể.
Polyp tuyến đáy vị hoặc phình vị phổ biến nhất, thường liên quan đến sử dụng thuốc ức chế bơm proton PPI (thuốc có tác dụng giảm nồng độ axit trong dạ dày) lâu ngày, dẫn đến kích thích các tế bào tuyến đáy vị phì đại và tăng sinh đẩy dồn lên mặt, tạo nên hình ảnh polyp để tăng tiết axit bù lại.
Loại polyp này thường lành tính, không có tế bào bất thường nên không gây ung thư. Khi ngưng sử dụng thuốc ức chế bơm proton, các polyp tuyến đáy vị có thể nhỏ dần lại. Trường hợp polyp vẫn lớn hơn 1 cm khi ngưng thuốc nên cắt bỏ polyp.
Polyp tăng sản thường liên quan đến vi khuẩn HP, cơ chế tương tự như sử dụng thuốc ức chế bơm proton kéo dài. HP kích thích tế bào tuyến đáy bị viêm, phì đại, tăng sinh để tăng tiết axit nên không có nguy cơ ung thư. Loại trừ HP giúp các polyp tăng sản biến mất dần theo thời gian. Các polyp tăng sản trên 0,1 cm, kéo dài, bác sĩ có thể xem xét cắt bỏ.
Bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ dự phòng polyp dạng u tuyến có hiện tượng nghịch sản tế bào vì có nguy cơ gây ung thư dạ dày. Polyp này liên quan tới viêm teo dạ dày, chuyển sản niêm mạc ruột. Sau khi cắt bỏ, người bệnh cần được theo dõi bằng nội soi dạ dày sau 1-3 năm tùy theo kết quả giải phẫu bệnh.
Ngoài ra, các polyp trong hội chứng đa polyp như hội chứng Peutz-Jeugers, hội chứng đa Polyp có nguy cơ ung thư cao cần được cắt bỏ sớm.
Cắt polyp dạ dày được thực hiện cùng lúc với nội soi, thường kéo dài trung bình 15-30 phút. Một số trường hợp polyp lớn, nằm ở vị trí khó tiếp cận mất nhiều thời gian hơn. Phần lớn người bệnh được nội soi dưới gây mê để không khó chịu khi nội soi.
Quá trình nội soi giúp phát hiện polyp dạ dày, lúc này bác sĩ đánh giá những đặc điểm của polyp để đưa ra phương án điều trị.
Dựa trên đặc điểm của polyp dạ dày, bác sĩ lựa chọn kỹ thuật cắt polyp thích hợp. Polyp kích thước nhỏ, đường kính dưới 0,5 cm, bác sĩ có thể cắt bằng kềm sinh thiết. Trường hợp polyp lớn hơn, đường kính trên 2 cm sử dụng bằng thòng lọng có dùng nhiệt để cắt rời polyp.
Một số loại polyp có kích thước lớn trên 2 cm không có cuống, phẫu thuật khó khăn hơn. Bác sĩ có thể phải cắt niêm mạc hoặc bóc tách dưới niêm mạc qua nội soi, vừa lấy trọn polyp vừa lấy một phần niêm mạc lành xung quanh chân polyp.
Trường hợp của bạn polyp kích thước nhỏ (3 mm), tính chất polyp không nguy hiểm nên theo dõi, chưa có chỉ định cắt bỏ qua nội soi. Bạn nên khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra, đánh giá sự tiến triển của polyp dạ dày. Bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, cần thiết.
TS.BS Phạm Hữu Tùng
Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |