Trả lời:
Các van bên trong tĩnh mạch (đặc biệt tĩnh mạch chân) có chức năng giúp máu đi một chiều về tim. Nếu những van này bị suy yếu, máu có thể chảy theo hướng ngược lại và ứ đọng trong tĩnh mạch, gây ra các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch.
Giãn tĩnh mạch chi dưới tương đối phổ biến trong thai kỳ. Vì khi mang thai, nồng độ progesterone tăng cao có thể làm tĩnh mạch mỏng, yếu hơn. Lưu lượng máu trong cơ thể mẹ cũng tăng dần theo thời gian làm tăng gánh nặng cho tĩnh mạch chân. Hơn nữa, tử cung lớn dần khi thai phát triển sẽ chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, làm hẹp đường về của tĩnh mạch chân.
Dù dấu hiệu giãn tĩnh mạch khi mang thai thường gây khó chịu như sưng chân, chuột rút, ngứa chân, nặng mỏi chân..., tình trạng này không nguy hiểm nếu điều trị đúng. Tình trạng sẽ giảm dần và hết hẳn trong 3 tháng đến một năm sau sinh.
Trường hợp bạn có tiền sử suy tĩnh mạch chân mức độ C2 (có các búi giãn tĩnh mạch), khi mang thai sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nếu không điều trị sớm, cục máu đông có thể di chuyển về tim và trôi ra các cơ quan quan trọng khác (thường lên động mạch phổi gây tắc mạch nguy hiểm).
Thông thường, bác sĩ sẽ không áp dụng những biện pháp kỹ thuật cao, xâm lấn để điều trị suy giãn tĩnh mạch chân trong thai kỳ. Thay vào đó, bạn có thể sử dụng vớ áp lực tĩnh mạch kết hợp tăng cường nghỉ ngơi, kê cao chân khi nghỉ; hạn chế ngồi lâu, đứng lâu. Bên cạnh đó, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày thực hiện một số bài tập phòng suy giãn tĩnh mạch như: nâng cẳng chân, xoay cổ chân...
Khi áp dụng các biện pháp kể trên, thai phụ có thể vượt qua thai kỳ nhẹ nhàng. Nếu suy giãn tĩnh mạch nặng và những triệu chứng chưa cải thiện, bạn nên khám bác sĩ chuyên khoa.
Các phương pháp chuyên sâu ít xâm lấn như: đốt laser hay sóng cao tần nội tĩnh mạch, bơm keo sinh học, chích xơ tĩnh mạch chỉ áp dụng sau sinh. Trong đó, chích xơ chỉ phù hợp với những trường hợp giãn tĩnh mạch nhẹ (tĩnh mạch mạng nhện, kích thước nhỏ hơn 3 mm), có thể cần thực hiện nhiều lần. Bơm keo sinh học Venaseal là phương pháp mới điều trị hiệu quả suy tĩnh mạch mức độ trung bình đến nặng. Ưu điểm là không gây tổn thương nhiệt, thực hiện với thuốc tê tại chỗ, nhanh hồi phục. Bác sĩ sẽ bơm keo sinh học vào lòng tĩnh mạch bị giãn, ngăn không cho mạch máu giãn trở lại, máu sẽ di chuyển theo các tĩnh mạch khỏe mạnh gần đó về tim. Phương pháp này cần thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao, bệnh viện đủ trang thiết bị hiện đại.
Chỉ vài giờ sau khi tiến hành thủ thuật Venaseal, người bệnh có thể đi lại bình thường. Các triệu chứng khó chịu như sưng phù, đau nhức, tê bì... sẽ cải thiện đáng kể. Đặc biệt, khi thực hiện bơm keo tĩnh mạch, nguy cơ bệnh tái phát thấp nếu tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Cụ thể, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, mang vớ tĩnh mạch, tập thể dục, kê cao chân khi ngủ và tái khám định kỳ.
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP HCM