Trả lời:
Trong điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, thay đổi lối sống và mang vớ áp lực tĩnh mạch là nền tảng, tiếp đến là sử dụng thuốc, can thiệp thủ thuật ở những giai đoạn nặng hơn. Các biện pháp thay đổi lối sống như tập thể dục, giảm cân, tập vật lý trị liệu, hạn chế đứng/ngồi lâu, kê cao chân khi nghỉ, uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt... rất cần thiết trong mọi giai đoạn bệnh và hiệu quả lâu dài.
Đi bộ là môn thể dục phù hợp với mọi lứa tuổi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể của người tập. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân sau khi được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới đều bỏ thói quen đi bộ. Thậm chí, một số người không dám vận động nhiều vì sợ bệnh nặng hơn.
Chúng tôi từng gặp một bệnh nhân nữ, là thành viên tích cực của hội nhóm đi bộ khu dân cư mỗi buổi chiều. Sau khi đi khám phát hiện suy tĩnh mạch chân mức độ nhẹ với vài tĩnh mạch mạng nhện và nặng chân khi ngồi làm việc quá lâu, cô rời nhóm và ít tham gia hoạt động cộng đồng hơn. Đến ngày tái khám, tôi thấy sức khỏe, tinh thần bệnh nhân sa sút. Bệnh nhân chia sẻ rằng nghe mọi người truyền tai nhau đi bộ khiến bệnh tĩnh mạch nặng hơn, có thể gây huyết khối dẫn đến tử vong nên cô bỏ hẳn.
Tùy vào tình trạng của bệnh tĩnh mạch, bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh thực hiện những bài tập khác nhau. Chẳng hạn, khi bệnh tĩnh mạch ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể đi bộ, thậm chí chạy bộ để giúp tăng lưu thông tuần hoàn chân, cải thiện triệu chứng hiện có. Nhưng khi bệnh nhân có triệu chứng: đau mỏi chân sau khi ngồi hoặc đứng một thời gian ngắn thì đi bộ có thể không tốt mà còn làm triệu chứng trầm trọng hơn. Một vài trường hợp sau khi mang vớ áp lực tĩnh mạch, bệnh nhân hoàn toàn có thể tập luyện các môn thể dục yêu thích, không có cảm giác khó chịu do bệnh tĩnh mạch. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi tập một môn thể thao.
Khi nhấc gót lên cao để đi bộ, máu từ đám rối tĩnh mạch dưới gót và lòng bàn chân sẽ được đẩy vào tĩnh mạch sâu của chân. Động tác này được lặp đi lặp lại, tĩnh mạch sẽ giảm ứ đọng và lưu thông máu về tim dễ dàng hơn, giúp giảm triệu chứng đáng kể.
Hầu hết bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch đều nhận thấy triệu chứng bệnh được cải thiện rõ rệt sau một thời gian ngắn kết hợp giữa thay đổi lối sống, đi bộ, mang vớ áp lực tĩnh mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người bệnh suy tĩnh mạch mạn tính đi bộ ít hơn 10 phút mỗi ngày có nguy cơ tiến triển bệnh đến loét chân cao hơn những người duy trì vận động trên 10 phút một ngày. Chính vì thế, các Hiệp hội phẫu thuật mạch máu trên thế giới đều khuyến khích người bệnh suy giãn tĩnh mạch nên đi bộ đều đặn mỗi ngày.
Người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nên đi bộ với tốc độ vừa phải và quãng đường ngắn, sau đó tăng dần cự ly và tốc độ. Bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc đau chân khi mới tập, nhưng cơn đau sẽ cải thiện trong vài ngày.
Người bệnh không nên đi quá chậm hoặc chạy nhanh vì sẽ làm hồi lưu tĩnh mạch chậm hơn, máu ứ đọng nhiều hơn khiến bệnh nặng hơn. Việc mang vớ áp lực tĩnh mạch khi đi bộ hoặc khi hoạt động thể chất nặng cũng giúp giảm triệu chứng.
Người bị loét chân do suy giãn tĩnh mạch cần khám chuyên gia để được điều trị tình trạng loét và giảm đau trước khi tiến hành các biện pháp điều trị khác.
Nếu bệnh suy giãn tĩnh mạch của bạn đang tiến triển, chân đau, gây trở ngại trong công việc và giảm chất lượng sống, hãy tạm ngưng đi bộ và cần thăm khám chuyên gia. Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch ít xâm lấn hiện nay gồm: đốt laser (hoặc sóng cao tần) tĩnh mạch bệnh, chích xơ tĩnh mạch, bơm keo sinh học trong lòng tĩnh mạch... Các biện pháp này ít đau, ít biến chứng, thẩm mỹ, hiệu quả cao. Sau điều trị, bạn có thể đi bộ trở lại để duy trì sức khỏe tổng quát, kèm mang vớ áp lực tĩnh mạch khi cần để phòng bệnh tái phát.
Bác sĩ Trần Quốc Hoài
Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, BVĐK Tâm Anh TP HCM