Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng bàng quang co bóp quá mức ngay cả khi có ít nước tiểu. Triệu chứng bệnh gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp không kiểm soát không đi kèm triệu chứng nhiễm trùng tiểu như tiểu máu, nước tiểu đục, tiểu buốt... Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng hội chứng bàng quang tăng hoạt làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu Nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bàng quang tăng hoạt được điều trị bằng các phương pháp sau:
Thay đổi lối sống: Người bệnh cần điều chỉnh một số thói quen như ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ăn chua và cay, đồ uống lợi tiểu như trà, cà phê, nước ngọt có gas, bia, rượu; không hút thuốc. Tập nhịn tiểu, cố gắng kéo dài khoảng cách giữa hai lần đi tiểu, tập đi tiểu vào khung giờ cố định; tập sàn chậu... Trong trường hợp thay đổi lối sống không hiệu quả, các biện pháp điều trị y khoa được áp dụng.
Dùng thuốc: Các loại thuốc dùng trong điều trị bàng quang tăng hoạt có tác dụng làm giãn cơ, hạn chế hoạt động co bóp của bàng quang khi chưa đầy nước tiểu. Tùy trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thuốc đường uống, gel bôi hoặc miếng dán thẩm thấu qua da.
Tiêm botox cơ bàng quang: Botox hay botulinum toxin có tác dụng làm liệt, giảm hoạt động của cơ bàng quang, qua đó giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Tiêm botox cơ bàng quang được thực hiện qua nội soi bàng quang. Mỗi liệu trình có hiệu quả dài 6-9 tháng.
Kích thích dây thần kinh chày: Bàng quang tăng hoạt xảy ra liên quan đến quá trình truyền tín hiệu giữa bàng quang và não bộ không vận hành hiệu quả.
Phương pháp kích thích thần kinh chày sử dụng thiết bị chuyên dụng phát xung điện từ dây thần kinh chày đến thần kinh cùng (dây thần kinh kiểm soát hoạt động co bóp của bàng quang) nhằm điều chỉnh lại hoạt động của nhóm dây thần kinh này, giúp phục hồi hoạt động bình thường của cơ bàng quang, cải thiện triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Bác sĩ Liên cho biết hiệu quả của phương pháp này đạt được trên 80% theo nhiều nghiên cứu trên thế giới.
Phẫu thuật: Mục đích gia tăng kích thước, sức chứa bàng quang bằng cách mở rộng bàng quang bằng hồi tràng (phần ruột non nối với ruột già). Phương pháp này chỉ được chỉ định khi tất cả biện pháp ít xâm lấn hơn không hiệu quả do tiềm ẩn nhiều biến chứng, bất tiện cho người bệnh như thời gian phục hồi lâu, phải mang thông tiểu, khó làm rỗng hoàn toàn bàng quang, vấn đề về nhu động ruột.
Tùy từng mức độ, bác sĩ chỉ định điều trị bàng quang tăng hoạt phù hợp. Một số trường hợp nặng có thể cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Tuy không nhiều nguy cơ về sức khỏe song hội chứng bàng quang tăng hoạt ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, tâm lý của người bệnh. Bác sĩ Liên khuyên người bệnh thường xuyên có biểu hiện đi tiểu nhiều lần (trên 8 lần trong 24 giờ và trên hai lần mỗi đêm), đột ngột muốn đi tiểu, tiểu gấp... nên đến bệnh viện khám, xác định nguyên nhân để điều trị phù hợp.
Thắng Vũ