Ngày 27/3, tiến sĩ, bác sĩ Lê Phúc Liên, Trưởng Đơn vị Niệu nữ, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Sơn mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt. Đây là tình trạng cơ bàng quang co bóp quá mức ngay cả khi không có hoặc có ít nước tiểu, khiến người bệnh thường xuyên muốn đi tiểu, tiểu gấp, tiểu không tự chủ (són tiểu). Bệnh không gây hại cho sức khỏe, song ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Bà Sơn uống thuốc 3 tháng nhưng không hiệu quả. Bác sĩ Liên cho biết tiêm botulinum toxin (thường gọi là botox) vào cơ bàng quang là giải pháp cuối cùng. Botulinum toxin có nguồn gốc từ vi khuẩn clostridium botulinum. Chất này có tác dụng làm giảm hoạt động co bóp của cơ bàng quang, giúp cải thiện tình trạng tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu không tự chủ. Tiêm botox điều trị bàng quang tăng hoạt đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép từ năm 2011.
Bác sĩ khoa Gây mê hồi sức gây tê tủy sống, đảm bảo người bệnh thoải mái, không đau xuyên suốt quá trình thực hiện thủ thuật. Tiếp đó, bác sĩ Liên đưa thiết bị nội soi chuyên dụng cùng đầu kim tiêm mảnh (dưới 1 mm) chứa dung dịch botox loại A đi qua niệu đạo, tiếp cận bàng quang người bệnh. Quan sát trên màn hình nội soi, bác sĩ Liên xác định vị trí rồi lần lượt tiêm tại 20 điểm trên cơ bàng quang, mỗi mũi tiêm chứa 5UI botox, tổng cộng liệu trình sử dụng 100 UI botox.
Bà Sơn xuất viện sau khi hoàn thành liệu trình tiêm, tái khám sau một tháng.
Bác sĩ Liên cho biết tiêm botox cơ bàng quang giúp giảm 70-80% triệu chứng bàng quang tăng hoạt, cải thiện tình trạng tiểu gấp cho người bệnh. Hiệu quả liệu trình tiêm duy trì trong 6-9 tháng, sau đó cần tiêm lại. Phương pháp này không chỉ định cho người bệnh có nhiễm trùng tiết niệu cấp tính hoặc bí tiểu mạn tính không thể đặt thông tiểu.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt khá phổ biến, ước tính gặp ở khoảng 17% dân số thế giới. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ. Năm 2020, thế giới có 363 triệu ca mắc. Công ty chuyên nghiên cứu, phân tích dữ liệu GlobalData dự báo tăng lên gần 402 triệu ca vào năm 2030.
Tại Đơn vị Niệu nữ, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, bàng quang tăng hoạt chiếm 20-30% tổng số lượt phụ nữ đến khám. Trong đó, những trường hợp nặng thường gặp ở người 40-60 tuổi. Các triệu chứng nặng hơn khi tuổi cao do suy giảm nội tiết tố nữ estrogen và khả năng kiểm soát thần kinh giảm do lão hóa.
Những người có nguy cơ cao gồm người có tiền sử đột quỵ hoặc gặp tổn thương thần kinh, bệnh tiểu đường (đái tháo đường), nhiễm trùng đường tiểu, có sỏi hoặc khối u bàng quang. Ở phụ nữ, bàng quang tăng hoạt liên quan đến thay đổi nội tiết ở thời kỳ mãn kinh hoặc mang thai nhiều lần.
Điều chỉnh lối sống (kiểm soát lượng nước uống, kiểm soát căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ) là biện pháp đầu tiên để điều trị bệnh, không cải thiện mới dùng thuốc. Nếu dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ chỉ định tiêm botox vào cơ bàng quang. Trường hợp người bệnh có bàng quang nhỏ hơn bình thường (250-350 ml) có thể cần phẫu thuật mở rộng.
Để phòng ngừa sớm bàng quang tăng hoạt, bác sĩ Phúc Liên khuyên nên tập nhịn tiểu, cố gắng không đi tiểu ngay khi buồn tiểu, để cải thiện khả năng giữ nước của bàng quang. Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày, không nên uống nhiều hơn. Hạn chế sử dụng các đồ uống lợi tiểu; không hút thuốc. Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường (nếu có) vì làm các triệu chứng nặng hơn.
Người đi tiểu nhiều lần, tiểu gấp, són tiểu, cần đến bệnh viện khám để có phương pháp điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |