Bàng quang của người trưởng thành có thể chứa đến 500-700 ml. Khi lượng nước tiểu đạt 150-250 ml, bàng quang phát tín hiệu cần đi tiểu. Thông thường, người khỏe mạnh đi tiểu 6-8 lần trong 24 giờ và không quá một lần vào ban đêm.
Càng uống nhiều nước, lượng nước tiểu chuyển hóa càng nhiều, bàng quang đầy nhanh khiến số lần đi tiểu tăng lên. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, có thể kiểm soát bằng cách giảm lượng nước đưa vào cơ thể.
ThS.BS Võ Xuân Huy, khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đi tiểu nhiều hơn 8 lần trong 24 giờ hoặc thể tích mỗi lần đi giảm và khoảng cách giữa các lần đi tiểu giảm (dưới hai giờ) là tiểu nhiều lần. Đây là một trong những triệu chứng đường tiết niệu dưới thường gặp gồm tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không hết, tiểu khó, tiểu ngập ngừng, tiểu không kiểm soát...
Những triệu chứng này thường gặp ở một số bệnh liên quan đến đường tiết niệu như nhiễm khuẩn, sỏi, bướu, có dị vật, tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, suy thận mạn, hẹp niệu đạo... Tình trạng đi tiểu nhiều lần còn xuất hiện ở người lớn tuổi, thai phụ, phụ nữ sa tạng chậu, người bệnh tiểu đường, người thừa cân béo phì, người từng đột quỵ, người bị chấn thương tủy sống, tiền sử xạ trị vùng chậu...
Bác sĩ Xuân Huy khuyến cáo người bệnh thay đổi các thói quen sinh hoạt để giảm đi tiểu nhiều lần. Không nên uống quá nhanh và quá nhiều nước, hạn chế uống nhiều nước vào buổi tối; cắt giảm trà, cà phê, rượu bia, nước ngọt có gas. Hạn chế thực phẩm có vị chua, vị cay, nóng vì kích thích bàng quang co bóp dẫn đến đi tiểu nhiều hơn. Sau khi thay đổi thói quen sinh hoạt mà tình trạng không cải thiện, người bệnh cần đi khám để tìm nguyên nhân và điều trị phù hợp.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |