Tập thể dục giúp xây dựng cơ bắp, cải thiện thể lực, xương chắc khỏe. Kế hoạch tập luyện dành cho phụ nữ thay đổi tùy theo độ tuổi, mục tiêu, lối sống. Người mắc bệnh mạn tính hoặc chấn thương, lớn tuổi hoặc không hoạt động thể chất thời gian dài nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục.
Tuổi 20: Phái đẹp độ tuổi này nên tập trung xây dựng xương khỏe mạnh. Cử tạ, đi bộ đường dài, quần vợt, leo cầu thang và các môn thể thao tác động mạnh đều tốt để tăng cường sức khỏe xương. Sử dụng dây thun, các bài tập phù hợp với trọng lượng cơ thể như chống đẩy cũng giúp tăng cơ bắp. Phụ nữ cần duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, ưu tiên thực phẩm lành mạnh giàu vitamin D, canxi, chất béo, chất đạm tốt.
Tuổi 30: Đây là thời điểm để cải thiện sức khỏe tim mạch, phổi. Phụ nữ tập trung vào các hoạt động duy trì cân nặng lý tưởng. Béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tim mạch. Bài tập aerobic tốt cho tim mạch, cải thiện sức bền. Các cơ lớn của cơ thể chuyển động nhịp nhàng trong thời gian dài có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cơ bắp. Bơi lội, nhảy dây, đi bộ nhanh, chạy và đạp xe thường là những bài tập tốt cho tim mạch.
Tuổi 40: Phái đẹp chú ý duy trì cơ nạc bởi mất cơ có liên quan đến tuổi tác, chứng teo cơ. Tập thể dục thường xuyên có thể ngăn ngừa mất cơ và duy trì chức năng cho những năm sau đó. Phụ nữ cần thực hiện hai đến ba buổi tập luyện sức bền mỗi tuần để tác động đến tất cả nhóm cơ.
Tuổi 50: Giữ cho cơ thể năng động và khỏe mạnh trong suốt thời kỳ mãn kinh. Tập thể dục thường xuyên giúp phụ nữ đối phó những thay đổi về hormone và tác động của chúng đến sức khỏe thể chất, tinh thần.
Tuổi 60: Duy trì hoạt động thể chất giúp cơ thể khỏe mạnh, cải thiện đời sống tinh thần. Phụ nữ nên thực hiện bài tập hỗ trợ cân bằng cơ thể, sức mạnh cơ bắp, phòng tránh ngã. Tăng cường khả năng chống ngã của cơ thể khi di chuyển bằng cách rèn cơ lưng, bụng, chân. Duy trì thói quen tập thể dục ở độ tuổi này cũng góp phần tăng cường sức khỏe xương, giữ dáng, giảm nguy cơ ung thư, nâng cao tâm trạng, phòng tránh bệnh tim, tiểu đường, ung thư, trầm cảm.
Theo các chuyên gia sức khỏe, không bao giờ là muộn để bắt đầu kế hoạch tập luyện. Người chưa từng tập thể dục hoặc đã tạm dừng vì bệnh tật hoặc chấn thương nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, huấn luyện viên thể dục. Người mới tập nên bắt đầu với cường độ nhẹ và tăng tốc độ dần. Tăng tốc độ tập luyện cường độ cao quá nhanh có nguy cơ chấn thương.
Phụ nữ mang thai và thời gian sau khi sinh (giai đoạn hậu sản) có sự thay đổi sinh lý lớn. Nhóm người này không nên tập thể dục cường độ cao, đặt mục tiêu 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần. Tham khảo ý kiến bác sĩ về cách điều chỉnh hoạt động thể chất trong thời kỳ mang thai và sau sinh. Tập thể dục thường xuyên trong suốt thai kỳ mang lại nhiều lợi ích, ít có khả năng tăng cân, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và trầm cảm sau sinh thấp hơn.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
Độc giả gửi câu hỏi về sinh lý nữ tại đây để bác sĩ giải đáp |