Trả lời:
70% chất sắt được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu. Sắt rất cần thiết trong thời kỳ mang thai, giúp cung cấp dưỡng chất nuôi tế bào máu đang phát triển cho em bé cũng như của chính thai phụ. Trên thực tế, khoáng chất này quan trọng đến mức lượng khuyến nghị hàng ngày khi mang thai của bạn tăng gần gấp đôi so với bình thường. Thiếu máu do thiếu sắt khá phổ biến trong giai đoạn mang thai do nhu cầu sản xuất máu tăng lên, đặc biệt là sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Dự trữ sắt thấp có thể làm gây ra một số hậu quả với cả mẹ bầu và thai nhi:
Với thai phụ: Tăng cảm giác mệt mỏi, giảm sức đề kháng, stress tim mạch, giảm đề kháng với lạnh, khó có thể chịu được việc mất nhiều máu. Đặc biệt, thiếu máu còn làm tăng tỷ lệ tử vong của sản phụ nếu mất quá nhiều máu lúc sinh.
Với thai nhi: Tăng nguy cơ sinh non, sinh ra nhẹ cân, bị thiểu năng trí tuệ hoặc nguy cơ tử vong chu sinh ở trẻ (trẻ sơ sinh tử vong trong tuần tiên sau sinh).
Thiếu sắt khi mang thai có thể ngăn ngừa bằng cách bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt hàng ngày và các sản phẩm hỗ trợ nếu có sự chỉ định của bác sĩ. Phụ nữ mang thai cần 27 mg sắt mỗi ngày (liều lượng ở phụ nữ trưởng thành từ 19 đến 50 tuổi không mang thai là 18 mg).
Đối với hầu hết phụ nữ, việc bổ sung sắt là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, không phải mọi thai phụ đều cần thêm sắt vì khoáng chất này đã có trong hầu hết các loại vitamin cho bà bầu và một số loại thực phẩm như cá mòi, thịt bò, thịt gà, trứng... Do đó, nếu liều lượng sắt bạn dung nạp hàng ngày đã đủ thì không nhất thiết phải bổ sung thêm sắt.
Ngoài ra, những đối tượng dễ bị thiếu máu như phụ nữ mang đa thai hoặc mang thai liên tiếp hay bị ốm nghén nặng cũng có thể cần bổ sung sắt.
Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, chóng mặt hoặc khó thở hãy đi xét nghiệm máu. Đây là phương pháp có thể giúp kiểm tra nồng độ sắt và xác định xem bạn có cần uống thêm sắt khi mang thai hay không.
Khi đã có khuyến nghị bổ sung canxi trước đó, bạn không nên uống cùng lúc với sắt vì canxi có thể cản trở sự hấp thụ sắt. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch dùng hai chất bổ sung này cách nhau ít nhất 2 giờ. Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào vào chế độ ăn uống của bạn.
BS.CKII Lâm Hoàng Duy
Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM