Sau ba năm uống thuốc, tập vật lý trị liệu, điều trị bảo tồn, chân ngày càng sưng to, nặng và cứng, bà Thư, 51 tuổi, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 20/8, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết bà Thư bị phù bạch huyết chân trái giai đoạn hai (giai đoạn ba là nghiêm trọng nhất). "Bệnh tiến triển do nhiều lần hóa, xạ trị ung thư cổ tử cung", bác sĩ Dũng nói, thêm rằng người bệnh cần phẫu thuật để giảm triệu chứng.
Hệ bạch huyết giúp cơ thể chống lại mầm bệnh, dị vật và các tế bào biến dạng như ung thư. Chúng còn cân bằng dịch cơ thể từ các tế bào và mô rồi đưa trở lại hệ tuần hoàn. Khi hệ thống này không hoạt động tốt, dịch bạch huyết ứ đọng trong mô dẫn tới sưng phù, đau nhức. Bệnh thường ảnh hưởng đến cánh tay hoặc chân, thành ngực, bụng, cổ, bộ phận sinh dục.
Ê kíp phẫu thuật tái lập dẫn lưu dịch bạch huyết cho bệnh nhân bằng kỹ thuật siêu vi phẫu (supermicrosurgery) nối mạch bạch huyết - tĩnh mạch. Bác sĩ gây tê cho bệnh nhân, mở đường rạch dài 3-4 cm ngang qua đường đi tĩnh mạch và bạch mạch. Dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi phẫu thuật với độ phóng đại 12-20 lần, ê kíp thuận lợi phẫu thuật. Bệnh nhân được tiêm thuốc nhuộm đánh dấu (Indocyanine Green - ICG) để hiển thị hình ảnh của hệ bạch mạch, xác định chính xác vị trí của các mạch bạch huyết dưới ánh sáng cận hồng ngoại. Điều này giúp định vị trí có thể tái lập đường bạch huyết, tối ưu kết quả phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bà Thư giảm phù chân dần sau mổ và được xuất viện sau một ngày. Một tuần sau, kích thước chân trái giảm 50%, di chuyển nhẹ nhàng hơn trước.
Phù bạch huyết được chia thành hai dạng gồm nguyên phát (ít gặp, do di truyền hoặc bẩm sinh gây ra dị tật của hệ bạch huyết) và thứ phát (chiếm 99% các ca phù bạch huyết ở người lớn). BS.CKI Trần Quốc Hoài, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân phù bạch huyết phổ biến là ung thư (khối u phát triển gần hạch bạch huyết chặn dòng chảy của dịch bạch huyết), xạ trị, phẫu thuật điều trị ung thư, nhiễm ký sinh trùng. Bệnh không được điều trị sớm và đúng cách dễ gây biến chứng nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, chảy dịch qua da, ung thư.
Theo bác sĩ Dũng, trước đây, bệnh thường chỉ điều trị nội khoa, gần đây các phương pháp can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật nối tĩnh mạch bạch huyết, ghép hạch bạch huyết được áp dụng. Trong đó, phẫu thuật nối tĩnh mạch bạch huyết là biện pháp xâm lấn, điều trị giảm nhẹ khi người bệnh đáp ứng điều trị nội khoa kém. Hiện, kỹ thuật siêu vi phẫu nối mạch bạch huyết - tĩnh mạch được ưu tiên vì rủi ro thấp. Để thực hiện phương pháp này, phòng mổ phải trang bị dụng cụ chuyên dụng, kính hiển vi có độ phân giải cao, bộ dụng cụ vi phẫu, chụp bạch mạch huỳnh quang ICG, phẫu thuật viên tay nghề cao.
Phù bạch huyết thường bị nhầm lẫn với dị dạng mao mạch, tĩnh mạch, u mạch máu ở trẻ sơ sinh, u nội mô mạch máu kaposiform, phì đại nửa người, phù mỡ... Người có triệu chứng như căng cứng khớp, vận động khớp kém linh hoạt, cánh tay, chân hoặc các vùng khác trên cơ thể sưng to, da dày hơn rõ rệt, cần đi khám sớm.
Thu Hà
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |