Bà Trân, ngụ Đồng Tháp, phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung kết hợp xạ trị năm 2008. 14 năm sau, chân trái bị phù bạch huyết, bà được phẫu thuật ghép hạch bạch huyết và dẫn lưu, bệnh ổn định sau một tháng điều trị. Giữa năm ngoái bệnh tái phát, chân trái bà phù to rất nhanh, khó sinh hoạt, mất ngủ, điều trị nhưng không cải thiện.
Ngày 11/6, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Trân bị phù bạch huyết mạn tính ở chân trái mức độ nặng (giai đoạn ba), chân phải nhẹ (giai đoạn một).
Phù bạch huyết là kết quả của tổn thương hệ thống bạch huyết gây tích tụ dịch và protein huyết tương trong khoang kẽ, lắng đọng mỡ, viêm mô mạn tính, xơ hóa. Phù chân là triệu chứng phổ biến nhất của phù bạch huyết. Nguyên nhân chủ yếu phù bạch huyết thứ phát là ung thư (vú, phụ khoa, tiết niệu, u hắc tố, u lympho) và phương pháp điều trị như nạo hạch, xạ trị.
Bệnh nhân từng được phẫu thuật vùng chậu điều trị ung thư cổ tử cung. Quá trình phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết vùng chậu kèm xạ trị sau mổ có thể gây sẹo và tổn thương hệ thống bạch huyết, làm viêm da, tạo áp lực lên hệ thống tuần hoàn bạch huyết, dẫn đến phù, theo bác sĩ Dũng.
ThS.BS.CKI Phan Vũ Hồng Hải, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết các phương pháp để phục hồi hệ bạch huyết gồm phẫu thuật nối tĩnh mạch bạch huyết, ghép hạch bạch huyết và hút mỡ. Trong đó phẫu thuật ghép hạch bạch huyết tác dụng chậm và có nguy cơ phát triển phù bạch huyết tại vị trí lấy mạch ghép. Còn hút mỡ có thể làm hỏng đường dẫn lưu bạch huyết sót lại, bệnh nhân phải mang vớ tĩnh mạch hoặc băng ép chi cả ngày lẫn đêm trong thời gian dài sau mổ.
Với bà Trân, bác sĩ chọn kỹ thuật siêu vi phẫu (supermicrosurgery) nối tĩnh mạch - mạch bạch huyết do nhiều ưu điểm và rủi ro thấp. Trong 60 phút, bác sĩ gây tê cho bệnh nhân, mở đường rạch dài 4 cm ngang qua đường đi tĩnh mạch và bạch mạch. Dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi, ê kíp bóc tách bộc lộ bạch mạch và tĩnh mạch kề bên, tiếp đến tạo các miệng nối bằng chỉ vi phẫu 11/0 (kích thước khoảng 1/5 sợi tóc).
Bệnh nhân được chụp ảnh bạch huyết bằng kỹ thuật sử dụng huỳnh quang Indocyanine Green (ICG) trong suốt cuộc mổ - kỹ thuật mới áp dụng tại Bệnh viện Tâm Anh. Bệnh nhân được tiêm thuốc nhuộm đánh dấu vào mạch bạch huyết. Bác sĩ dễ dàng quan sát dòng chảy của bạch huyết dưới ánh sáng hồng ngoại, phát hiện được các đường bạch huyết bị tắc nghẽn, tối ưu hóa kết quả phẫu thuật.
Theo bác sĩ Dũng, phẫu thuật nối tĩnh mạch - mạch bạch huyết đòi hỏi kỹ thuật cao cùng dụng cụ chuyên dụng như MRI khảo sát bạch huyết, kính hiển vi có độ phân giải cao, bộ dụng cụ vi phẫu và chụp bạch mạch huỳnh quang ICG. Phương pháp này được triển khai ở các trung tâm lớn, có thiết bị máy móc hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.
Sau mổ một ngày, chân trái của bà Trân giảm phù 20%. Bà tập vật lý trị liệu và băng ép chân ngay sau mổ, xuất viện sau ba ngày. Tái khám sau 10 ngày, chân trái bà thu nhỏ 50%, đi lại dễ dàng. Bà tiếp tục tập vật lý trị liệu, dùng thuốc hỗ trợ nhằm giảm triệu chứng, ngăn ngừa tái phát.
Bác sĩ Hải cho biết phù bạch huyết thứ phát phổ biến hơn phù bạch huyết nguyên phát (tình trạng di truyền hoặc bẩm sinh gây ra dị tật của hệ bạch huyết), với tỷ lệ mắc bệnh ước tính 1/1.000 so với 1/100.000.
Dấu hiệu phù chân có thể phát triển chậm, khó nhận biết. Nếu không được điều trị sớm hoặc điều trị không đúng cách, phù bạch huyết làm thay đổi màu sắc da, da ở chi bị bệnh dày lên, cứng lại gây ra tình trạng phù chân voi. Dịch bạch huyết chảy qua các vết nứt nhỏ trên da hoặc phồng rộp, có thể bị bội nhiễm gây viêm mô tế bào, loét chân lâu lành. Huyết khối tĩnh mạch sâu (hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu) cũng là biến chứng thường gặp làm suy giảm chức năng chi dưới. Tình trạng này có nguy cơ tiến triển thành ung thư mạch bạch huyết - bệnh lý ác tính với nguy cơ đoạn chi rất cao.
Bác sĩ Dũng khuyến nghị bệnh nhân ung thư cần tái khám, theo dõi những thay đổi nhỏ trên chi để giảm nguy cơ phù bạch huyết sau điều trị. Các dấu hiệu ở giai đoạn sớm như cảm giác đau nhức, nặng nề, đơ cứng, giảm phạm vi chuyển động, mặc quần áo và giày chật hơn, thay đổi màu sắc da, cứng, dày vùng da (xơ hóa) ở chi bị bệnh. Sống lành mạnh như vận động thường xuyên, tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, nâng cao tay và chân khi ngồi hoặc nằm, tránh nhiệt độ quá cao.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |