Không chỉ thời tiết khô, lạnh vào mùa đông mới gây ra các vấn đề về tai mũi họng. Mùa hè cũng là thời điểm trẻ dễ bị ho, viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi do thói quen ăn uống, sinh hoạt không đúng cách.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, trong hai tháng nắng nóng cao điểm vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh mũi họng thông thường dẫn đến ốm sốt, biếng ăn, sụt cân. Nhiều trẻ phải nghỉ học, ảnh hưởng đến kết quả thi cử cuối năm. Trong đó, các bé từ 0-10 tuổi đến thăm khám nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc con chưa đúng cách của phụ huynh.
Bé Huỳnh Ngọc Mai (10 tuổi, quận 12), ho kéo dài suốt hai tuần kèm sốt cao. Bé được chẩn đoán viêm họng cấp do kích ứng từ yếu tố lạnh gây viêm. Mẹ bé cho biết, vì nắng nóng nên cháu hay uống nước lạnh và thích ngậm đá.
Chị Quỳnh Hương (quận 8) đưa hai con trai tới khám. Trí Tâm 7 tuổi ho, nghẹt mũi, sốt một tuần vì viêm VA và viêm Amidan cấp. Trí Nguyễn 4 tuổi bị viêm mũi, chảy dịch mũi xanh, ăn, ngủ kém. "Trời nóng quá nên tôi bật điều hòa 20 độ C, lạnh thì đắp chăn. Có hôm con quẫy đạp tung chăn ra lúc nào không biết", chị Hương chia sẻ.
Theo bác sĩ Hằng, hệ miễn dịch của trẻ dưới 10 tuổi chưa hoàn chỉnh, dễ nhiễm bệnh khi thời tiết khắc nghiệt. Nếu không được chăm sóc và hướng dẫn ăn uống, sinh hoạt đúng cách trong mùa hè, trẻ khó tránh khỏi các bệnh về mũi họng và hô hấp. Để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh nên lưu ý những điều dưới đây.
Bổ sung thực phẩm giải nhiệt
Thời tiết nắng nóng, cơ thể đổ mồ hôi nhiều khiến trẻ mất nước nên càng háo nước và đồ ăn, thức uống lạnh. Bổ sung các đồ ăn mát như nước trái cây, canh rau xanh, các loại chè đậu đen, đậu xanh, sâm bổ lượng, nước sâm, nước dừa... rất tốt để giải nhiệt cho cơ thể. Nước đá lạnh nên hạn chế, nhất là thói quen ngậm đá lạnh. Niêm mạc miệng họng của trẻ rất mỏng nên dễ bị bỏng lạnh, kích ứng dẫn đến viêm nếu tiếp xúc với đá lạnh thường xuyên.
Nhiệt độ điều hòa phù hợp
Nằm điều hòa rất dễ khiến trẻ mắc các bệnh về hô hấp. Nhiệt độ quá lạnh gây hại cho mũi xoang. Do nắng nóng nên nhiều gia đình hay để nhiệt độ phòng ngủ ở mức 18-20 độ C. Tuy nhiên, mức nhiệt độ này dễ khiến cơ thể trẻ mất nước dẫn đến khô da, khô miệng họng, mắt, mũi xoang, khó tránh khỏi nghẹt mũi, sổ mũi, viêm họng.
Nhiệt độ điều hòa phù hợp nhất cho phòng ngủ của trẻ là từ 26-28 độ C. Khi ngủ máy lạnh, phụ huynh nên cho trẻ mặc đồ ngủ dài tay, kín vùng ngực, có chất liệu thun, cotton thông thoáng. Không nên để trẻ mặc đồ cộc tay, hở vùng lưng, ngực vì dễ bị nhiễm lạnh. Trẻ cũng nên uống nước thường xuyên hơn trong mùa hè, nhất là trong môi trường lạnh cả ngày để tránh mất nước.
Phòng ngủ cần dọn dẹp thông thoáng, vệ sinh. Mỗi buổi sáng, phụ huynh nên tắt máy lạnh, mở cửa để đón ánh mặt trời và không khí tự nhiên, giải phóng khí độc, phòng ngừa nấm mốc. Không nên cho trẻ sinh hoạt trong điều kiện máy lạnh 24/24. Sử dụng máy làm ẩm không khí cũng hữu ích trong phòng máy lạnh để hạn chế khô da, khô mũi xoang cho trẻ.
Lau mồ hôi cho trẻ
Trẻ ra nhiều mồ hôi do nhiều nguyên nhân. Ban ngày thường là do thời tiết nắng nóng và trẻ hoạt động nhiều. Trẻ tiết mồ hôi nhiều vào ban đêm có thể do thiếu canxi. Mồ hôi tiết ra quá nhiều, ướt áo khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm hô hấp.
Phụ huynh nên cho trẻ mặc quần áo có chất liệu thoáng mát như vải thô, cotton, dễ thấm hút mồ hôi. Nếu trẻ ra mồ hôi nhiều vào ban ngày thì cho trẻ tắm 2 lần mỗi ngày và thay áo khi ướt mồ hôi. Ban đêm, phụ huynh nên thường xuyên sờ lưng, đầu trẻ, nếu ướt mồ hôi thì dùng khăn lau và thay áo cho con. Trường hợp mồ hôi ra nhiều vào ban đêm do thiếu canxi cần bổ sung canxi cho trẻ.
Cha mẹ không nên cho con tắm ngay khi vừa chạy nhảy hoặc đi ngoài trời nắng về. Không nên để trẻ vừa tắm xong, người còn ướt, chưa mặc quần áo đã bước vào phòng máy lạnh. Không nên đưa trẻ từ phòng máy lạnh đi ra ngoài trời nắng nóng ngay. Sự thay đổi môi trường nhiệt độ đột ngột dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt. Cơ thể chưa kịp thích ứng dễ mắc bệnh.
Nguyên Phương