ThS.BS Nguyễn Thúy Hậu, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết sau mỗi đợt mưa lũ kéo dài số bệnh nhân bị sốt xuất huyết thường tăng cao. Tuần vừa qua, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội tiếp nhận 7 ca sốt xuất huyết, tăng 30% so với tuần trước.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua, từ ngày 13/9 đến ngày 20/9, toàn thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 58 ca so với tuần trước đó.
Theo bác Thúy Hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường do ngập lụt là điều kiện thuận lợi khiến sốt xuất huyết bùng phát. Tại các vùng nước trũng và khu vực ô nhiễm môi trường, muỗi thường sản sinh nhanh. Sốt xuất hiện có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em. Hiện chưa có thuốc đặc trị nên phòng bệnh rất quan trọng.
Bác sĩ Thúy Hậu khuyến cáo vệ sinh cá nhân cho trẻ, giữ môi trường sạch sẽ, chú trọng an toàn thực phẩm, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Gia đình cần phơi khô quần áo, đồ dùng, vật dụng sau mưa lũ. Khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, phát quang các bụi rậm quanh nhà. Thu gom rác thải, chất thải, xác súc vật chết để xử lý, chôn lấp và tẩy uế theo quy định, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
Trẻ nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày. Diệt loăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ đọng nước, không cho muỗi đẻ trứng. Phun hóa chất diệt muỗi ở nơi nguy cơ cao, khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết. Người bị sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.
Trẻ nên ăn chín uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để giúp bé có sức đề kháng chống lại virus hoặc ngừa biến chứng.
Bác sĩ Thúy Hậu lưu ý bệnh sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em thường có biểu hiện phức tạp, diễn biến từ nhẹ đến nặng nhanh. Ba giai đoạn bệnh là sốt, nguy hiểm và hồi phục.
Ở giai đoạn đầu, trẻ em thường sốt cao đột ngột, quấy khóc, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Giai đoạn nguy hiểm (ngày thứ 3-7), trẻ thường giảm sốt, có thể thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch, thường kéo dài 24-48 giờ, tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to. Nếu trẻ thoát huyết tương nhiều có biểu hiện sốc, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg. Bé xuất huyết dưới da, mạng sườn hoặc mảng bầm tím, chảy máu mũi và lợi, tiểu ra máu. Khi trẻ sốt cao, xuất huyết lan rộng có chảy máu cam hay chảy máu chân răng, có dấu hiệu lừ đừ, đau bụng..., phụ huynh nên đưa con nhập viện ngay.
Bác sĩ Thúy Hậu cho biết xét nghiệm máu số lượng tiểu cầu giảm dưới 50 G/l là trường hợp nặng có thể rối loạn đông máu. Trẻ bị sốt sốt xuất huyết không dùng Aspirin, Ibuprofen để hạ sốt vì tác dụng phụ của thuốc có thể gây xuất huyết sớm và nặng hơn. Không cạo gió hoặc áp dụng các biện pháp dân gian chữa bệnh cho bé. Trẻ nên tiêm vaccine để phòng bệnh.
Thanh Ba
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |