Ngộ độc hóa chất
Theo BS.CKI Đặng Thị Oanh - khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, ngộ độc hóa chất là một trong những tai nạn thường gặp trong dịp Tết nguyên Đán do nhiều gia đình mua các loại hóa chất về lau dọn, sơn sửa nhà cửa. Trẻ vô tình uống hoặc nuốt phải, sẽ gây ngộ độc nguy hiểm tính mạng.
Các hóa chất phổ biến gồm xăng, dầu hỏa, dung dịch cọ rửa, axit, chất diệt cỏ... Những hóa chất này chỉ cần uống một lượng nhỏ, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời, đặc biệt là thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.

Ngộ độc hóa chất là một trong những tai nạn thường gặp trong dịp Tết nguyên Đán. Ảnh: Freepik
BS.CKI Oanh thông tin, khi bị ngộ độc hóa chất, trẻ thường có dấu hiệu đau họng, ho sặc sụa, hơi thở có mùi hóa chất, buồn nôn, nôn, môi lưỡi đỏ hoặc bị phồng rộp, chảy máu, đau tức thượng vị. Trẻ khó thở, thở gấp, mặt mũi tím tái, suy hô hấp, thở rít do thanh quản co thắt, da xanh xao, nhợt nhạt, la khóc, mất ý thức, hôn mê.
Với các loại hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone... khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Oanh khuyến cáo, khi trẻ bị ngộ độc hóa chất, phụ huynh cần bình tĩnh, quan sát xung quanh, đưa trẻ đến nơi an toàn. Với nạn nhân bị ngộ độc đường hô hấp, cần đưa khỏi vùng có khí độc đến nơi thông thoáng. Nếu trẻ tím tái, cần hô hấp nhân tạo liên tục trong khi chờ xe cứu thương đưa đến bệnh viện. Trường hợp ngộ độc qua da, cần rửa sạch chất bám trên da bằng xà phòng hoặc dung dịch vệ sinh an toàn. Nếu chất độc văng vào mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch nhẹ nhàng.
Sau bước sơ cứu ban đầu, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhà để xử trí kịp thời. Gia đình tránh kéo dài thời gian, gây biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, khi xử trí ngộ độc hóa chất, phụ huynh cần cần lưu ý thời gian ngộ độc, triệu chứng và biểu hiện ban đầu. Đặc biệt, tên hóa chất thường ghi trên bao bì, chai, lọ... cha mẹ cần ghi nhớ kỹ, chụp ảnh hoặc mang đến bệnh viện để bác sĩ xác định chính xác hóa chất, dùng thuốc đặc trị kịp thời.
Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là một trong những tai nạn thường xảy ra trong dịp Tết bởi có nhiều loại thức ăn. Khi bị ngộ độc thực phẩm, nạn nhân thường có cảm giác buồn nôn, nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy... Khi trẻ có dấu hiệu ngộ độc thức ăn, phải ngừng cho trẻ ăn món đó. Nếu trẻ nôn ngay khi đang ngủ sẽ dễ sặc lên mũi, xuống phổi làm tắc nghẽn đường thở. Cha, mẹ cần nhanh chóng dùng miệng hút mũi nếu không trẻ bị sặc, khó thở, tránh nguy cơ tử vong.
Đồng thời, trẻ cần uống oresol để tránh rối loạn điện giải, mệt lả, mất nước trầm trọng. Phụ huynh pha oresol theo đúng hướng dẫn, cho bé uống từ từ từng chút một, không uống quá nhiều cùng lúc. Người lớn tuyệt đối không cho trẻ uống nước có gas.
Trẻ em dưới 5 tuổi có triệu chứng ngộ độc rất nặng. Nếu nôn và tiêu chảy nhiều lần sẽ bị mất nước, mất điện giải, trụy tim mạch dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn. Do vậy, nếu thấy nạn nhân nôn trên 5 lần, tiêu chảy trên 5 lần, sốt cao, khô môi, mắt trũng, khát nước... cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, phụ huynh lưu ý khi mua những thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao, bảo quản đúng cách, chế biến thực phẩm an toàn, cẩn thận khi ăn uống bên ngoài và phòng ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch.
Riêng về ngộ độc hóa chất, phụ huynh lưu ý để các loại thuốc, hóa chất xa tầm tay của trẻ, trong hộp riêng, có khóa. Gia đình không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh nhầm lẫn.
Nguyễn Trăm