BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết nhiễm toan ceton là sự tích tụ axit trong máu của người bệnh, xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao và diễn ra trong thời gian quá dài. Bệnh phổ biến ở người bệnh tiểu đường type 1 và ít phổ biến hơn ở người bệnh tiểu đường type 2.
Nhiễm toan ceton là biến chứng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Người bệnh có thể điều trị và ngăn chặn nhiễm toan ceton nếu kiểm soát tốt đường huyết. Bệnh nhân tiểu đường có thể phòng chống nhiễm toan ceton bằng các cách sau:
Quản lý bệnh tiểu đường: Người bệnh duy trì ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất đều đặn hàng ngày, dùng thuốc tiểu đường hoặc insulin theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo dõi lượng đường trong máu: Người bệnh cần kiểm tra và ghi lại lượng đường trong máu ít nhất 3-4 lần một ngày và thường xuyên hơn nếu đang điều trị một bệnh khác hoặc căng thẳng. Theo dõi chặt chẽ giúp bạn đảm bảo lượng đường ở mức ổn định.
Điều chỉnh liều lượng insulin khi cần thiết: Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu có ý định điều chỉnh liều lượng insulin phù hợp với bản thân. Các yếu tố cần xem xét như lượng đường trong máu, món ăn và mức độ hoạt động của bản thân có gây ảnh hưởng đến bệnh không. Nếu lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên, bạn nên thực hiện theo các tư vấn, kế hoạch điều trị của bác sĩ để để đưa lượng đường về mức ổn định.
Nhận biết và xử trí kịp thời: Nếu nghĩ bản thân bị nhiễm toan ceton thì bạn cần gặp bác sĩ thăm khám ngay.
Bác sĩ Nguyên Duy giải thích thêm, cơ thể của người bệnh tiểu đường không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả. Insulin do tuyến tụy sản sinh, đóng vai trò quan trọng nhờ "kết nối" đường trong máu đến các tế bào để đi nuôi cơ thể. Không có đủ insulin, cơ thể bắt đầu phân hủy chất béo làm nhiên liệu, gây ra sự tích tụ axit trong máu gọi là ceton. Nếu tình trạng này không được điều trị, tích tụ axit dẫn đến nhiễm toan ceton.
Người bệnh tiểu đường không nên chủ quan với các dấu hiệu cảnh báo nhiễm toan ceton như: khát nước, đi tiểu thường xuyên. Các triệu chứng nhiễm toan ceton do tiểu đường diễn tiến nhanh chóng, có khi trong vòng 24 giờ bao gồm: thở nhanh và sâu; da và miệng khô; mặt đỏ bừng; hơi thở có mùi trái cây; đau đầu; cứng cơ hoặc đau nhức; mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng. Đôi khi nhiễm toan ceton là dấu hiệu của tiểu đường ở những người chưa được chẩn đoán mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyên Duy chỉ ra hai yếu tố chính gây ra tình trạng này ở người bệnh tiểu đường bao gồm:
Mắc bệnh khác: Người bệnh ăn uống không ngon miệng, dễ bỏ bữa, làm lượng đường trong máu khó kiểm soát. Người mắc tình trạng nhiễm trùng hay bệnh trở nặng thì một số hormone như adrenaline hoặc cortisol được sản sinh ra nhiều hơn. Những hormone này hoạt động chống lại tác dụng của insulin, gây nhiễm toan ceton. Viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu là những bệnh phổ biến dẫn đến nhiễm toan ceton.
Liệu pháp insulin: Người bệnh tiểu đường được chỉ định tiêm insulin nhưng vì một lý do nào đó mà quên tiêm hoặc tiêm không đủ liều hoặc dùng sai liều insulin đều có thể dẫn đến nhiễm toan ceton.
Các nguyên nhân khác có thể kể đến như đau tim hoặc đột quỵ; chấn thương thể chất như tai nạn xe hoặc tinh thần; lạm dụng rượu hoặc ma túy. Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu và corticosteroid; viêm tụy; thai kỳ cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Nhiễm toan ceton là một vấn đề nghiêm trọng xảy ra ở người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, khi có các triệu chứng của nhiễm toan ceton người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời tránh biến chứng.
Quỳnh Dung