Trẻ chưa ý thức việc giữ vệ sinh cá nhân nên có thể nuốt phải vi khuẩn HP từ thực phẩm, nước, dụng cụ ăn uống ô nhiễm. Nhiễm trùng phổ biến nhất ở những khu vực đông người, nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Trẻ em dưới 8 tuổi thường nhiễm HP do có người trong gia đình mắc bệnh. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, trên 362 hộ gia đình Việt gồm 929 người, tỷ lệ nhiễm HP trong gia đình cao hơn tỷ lệ nhiễm chung, khoảng 96,2% cao gấp 4 lần so với các nước phát triển.
Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội gợi ý một số biện pháp giúp giảm lây truyền vi khuẩn HP cho trẻ.
HP là loại vi khuẩn có khả năng lây nhiễm cao. Lây truyền qua đường phân - miệng và từ miệng - miệng là hai con đường chính lây vi khuẩn HP từ người này sang người khác. Trẻ cần chú ý giữ vệ sinh trong bữa ăn, không dùng chung đũa, dĩa với nhau tránh nhiễm khuẩn. Người lớn nên hướng dẫn để thực hành vệ sinh tốt và rửa tay, nhất là khi chuẩn bị ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
Lây nhiễm chéo có thể xảy ra do sử dụng một loại đũa để nấu các món ăn sống và chín. Khi sử dụng chung một chiếc đũa cho cả hai, trẻ em trong gia đình tăng nguy cơ lây nhiễm chéo nếu thức ăn chưa được nấu chín hoàn toàn hoặc thức ăn sống, chín được phục vụ trên cùng một đôi đũa.
Trong bữa ăn, mọi người nên sử dụng đũa chung đặt tại các đĩa thức ăn. Dùng chung đũa gắp cùng một đĩa thức ăn có khả năng lây lan HP. Cha mẹ không nên cố ăn, nhai thức ăn bằng miệng hoặc thổi thức ăn nguội trước khi cho con ăn.
Khử trùng tất cả dụng cụ ăn uống, nấu nướng thường xuyên bằng cách sử dụng máy rửa chén hoặc dụng cụ đun sôi trong nồi. Tránh cho trẻ ăn các món sống, uống nước chưa đun sôi.
Hướng dẫn, dặn dò trẻ không dùng chung đồ vệ sinh cá nhân và thay bàn chải đánh răng ít nhất ba tháng một lần. Gia đình có thành viên bị HP nên xét nghiệm và điều trị để tránh phơi nhiễm cho các thành viên khác.
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Tăng lượng rau họ cải như súp lơ, bắp cải, bông cải xanh... giúp bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết nâng cao miễn dịch đường tiêu hóa.
Bác sĩ Hoàng Nam cho biết hầu hết trẻ nhiễm vi khuẩn HP thường không có triệu chứng. Khi bệnh phát triển, triệu chứng giống với bệnh viêm dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng, trẻ thường buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi, ăn không ngon, giảm cân. Trẻ có thể nôn ra máu, phân sẫm màu do chảy máu ở dạ dày hoặc tá tràng nếu tình trạng nặng.
Nhiễm HP dẫn đến loét dạ dày tá tràng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn tới các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa do chảy máu ổ loét dạ dày tá tràng, thủng ổ loét dạ dày tá tràng, hẹp môn vị...
Trẻ nhiễm HP có thể được chữa khỏi bằng kháng sinh. Phụ huynh nên cho con uống thuốc theo chỉ dẫn theo chỉ định của bác sĩ.
Trong thời gian này, trẻ cần có kế hoạch bữa ăn khoa học, hạn chế dạ dày trống trong thời gian dài. Cho bé ăn 5 hoặc 6 bữa nhỏ mỗi ngày, với lượng vừa phải, thực phẩm dễ tiêu hóa, nghỉ ngơi sau mỗi bữa. Cha mẹ không nên cho con dùng các thuốc khác khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |