Các tác nhân gây dị ứng phổ biến khiến chảy nước mũi sau như phấn hoa, lông động vật, mạt bụi, gián... Trong đó, phấn hoa từ cây cối, cỏ dại thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân, gây ra viêm mũi dị ứng hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Người bị dị ứng có thể bị hắt xì, nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa, chảy nước mắt, ngứa hoặc đau họng, ho, thở khò khè...
Đau họng rất thường gặp ở những người bị dị ứng. Nguyên nhân là do cơ thể tiết ra quá nhiều chất nhầy để loại bỏ chất gây dị ứng khiến chất dịch chảy từ mũi xuống phía sau cổ họng, gây đau, trầy xước và cảm giác nhột.
Cách giảm đau họng do dị ứng cũng tương tự như các nguyên nhân khác. Bạn có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý mua tại các nhà thuốc hoặc tự pha tại nhà. Tuy nhiên, nên lưu ý pha đúng nồng độ và dùng nước sạch để tránh gây hại cho họng. Uống mật ong pha với nước ấm, uống trà hoặc các đồ uống ấm, rửa mũi, ngậm thuốc trị viêm họng cũng là những cách phòng ngừa. Nghỉ ngơi và bù nước cũng có thể hữu ích.
Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng là cách tốt nhất để ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng, bao gồm cả viêm họng. Song, đôi khi việc tránh tiếp xúc có thể khó khăn. Người thường bị dị ứng nên hạn chế ra ngoài khi số lượng phấn hoa trong không khí nhiều, đóng cửa sổ. Sử dụng máy lọc không khí có tác dụng loại bỏ các hạt có hại, máy hút ẩm giúp loại bỏ độ ẩm trong không khí và ngăn ngừa nấm mốc.
Bạn nên thay quần áo và tắm rửa sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, giặt chăn mềm ít nhất một tuần một lần. Tắm, gội đầu trước khi đi ngủ cũng có thể làm giảm các tác nhân gây dị ứng còn vướng trên cơ thể, tóc, quần áo... Phấn hoa có thể dễ dàng lưu lại trên các sợi vải và gây ra các triệu chứng dị ứng khi bạn mặc quần áo. Do đó, người thường bị dị ứng hạn chế phơi quần áo ngoài trời, nhất là vào mùa xuân.
Thuốc thông mũi, thuốc xịu mũi, Thuốc kháng histamine, thuốc nhỏ mắt... là những loại thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng dị ứng theo mùa hoặc làm dịu phản ứng của cơ thể với các chất gây dị ứng trong không khí. Vì chảy nước mũi sau thường là nguyên nhân gây đau họng do dị ứng nên việc điều trị bằng các loại thuốc này có thể giúp ích.
Thuốc kháng histamine ngăn chặn thụ thể của histamine và ngăn chặn các triệu chứng dị ứng. Chúng là những loại thuốc được sử dụng nhiều để điều trị dị ứng mũi. Thuốc thông mũi làm co mạch máu, đôi khi được kết hợp với thuốc kháng histamine để giảm triệu chứng dị ứng. Thuốc xịt mũi làm giảm viêm và ngăn chặn phản ứng dị ứng. Tốt nhất, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng, nhất là với người có hệ miễn dịch suy yếu.
Phần lớn các trường hợp đau họng liên quan đến dị ứng là do chảy nước mũi sau. Tuy nhiên, các triệu chứng như sưng cổ họng, khó chịu, khó thở nhiều... có thể là tình trạng nghiêm trọng như sốc phản vệ và cần cấp cứu.
Đôi khi khó có thể biết phân biệt đau họng là do dị ứng hay do virus như Covid-19, cảm lạnh, cúm. Nhiều người thường nhầm lẫn đau họng do dị ứng với triệu chứng của cảm lạnh. Dị ứng thường không gây đau nhức cơ thể hoặc sốt. Các triệu chứng khác như sốt và đau nhức cơ thể cho thấy đau họng có khả năng là do nhiễm trùng hơn là dị ứng. Nếu bạn có một hoặc bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng như đau họng dữ dội, khó nuốt hoặc khó thở, ho ra máu, xuất hiện các mảng trắng trên cổ họng, mất giọng nói... thì nên thăm khám bác sĩ.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)