Chị Nga (29 tuổi, Củ Chi, TP HCM) mang thai 36 tuần bất ngờ vỡ ối và đến BVĐK Tâm Anh đăng ký sinh nở. Khi kiểm tra độ mở cổ tử cung, bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa phát hiện thai phụ được xác định nhiễm bệnh sùi mào gà.
Em bé sinh ra từ người mẹ mắc bệnh sùi mào gà có thể mọc mụn cóc ở cổ hoặc u nhú thanh quản. Do đó, bác sĩ đã chỉ định sinh mổ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người mẹ sang con. May mắn bé chào đời khỏe mạnh. Sản phụ được chuyển sang bệnh viện da liễu điều trị.
Hiện tượng thai phụ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi mang thai không hiếm gặp. Qua chăm sóc thai kỳ cho nhiều thai phụ, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP HCM phát hiện, điều trị nhiều trường hợp mắc giang mai, lậu, sùi mào gà, herpes sinh dục... Khi phát hiện sớm, một số bệnh có thể chữa khỏi trong thai kỳ như chlamydia, lậu, giang mai, trichomonas. Tuy nhiên, nhiều thai phụ có thể mắc phải như herpes sinh dục, viêm gan B, đặc biệt HIV không thể chữa khỏi.
Thai phụ được chăm sóc thai kỳ kỹ lưỡng, một số trường hợp có thể dùng thuốc kháng virus hoặc biện pháp phòng ngừa khác để giảm nguy cơ truyền bệnh cho con. Nếu không dự phòng tốt, mẹ nhiễm bệnh có thể truyền cho con trong quá trình mang thai, sinh con hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh.
Vừa qua, BVĐK Tâm Anh TP HCM tiếp nhận bệnh nhi cấp cứu trong tình trạng nổi hồng ban bóng nước ở vùng đùi, lan ra thành chùm. Kết quả kiểm tra, bệnh nhi nhiễm virus Herpes loại 2 (Herpes sinh dục). Bác sĩ nhận định, người mẹ mắc bệnh trong thai kỳ nên có thể bệnh nhi bị lây trong quá trình sinh nở hoặc khi tiếp xúc mẹ, hay dụng cụ (khăn...) có virus. Virus Herpes loại 2 lây lan qua tiếp xúc trực tiếp như hôn môi, quan hệ tình dục hay gián tiếp qua vật dụng cá nhân.
Theo ThS.BS Ngô Thị Bình Lụa - BVĐK Tâm Anh TP HCM, nếu phụ nữ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thai kỳ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ, thai nhi cũng gặp phải nhiều nguy cơ như: sinh non, thiếu cân, sảy thai, thai chết lưu... Bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuất hiện trong độ tuổi sinh sản, diễn biến âm thầm, tái phát khó điều trị. Tuy nhiên, thai phụ có thể để ý triệu chứng cảnh báo như: đau rát, khó chịu khi quan hệ, tiểu khó, tiểu buốt, xuất hiện vết loét, sưng hoặc ngứa tại vùng âm đạo, hậu môn, mông, đùi, miệng; âm đạo tiết dịch bất thường, có mùi hôi,... một số trường hợp có thể bị sốt.
Việc thăm khám phụ khoa định kỳ, xét nghiệm sàng lọc tác nhân lây truyền qua đường tình dục trong thời kỳ mang thai sẽ giúp bác sĩ phát hiện bệnh sớm, có phương pháp sinh phù hợp, hạn chế lây nhiễm cho con. Bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể chủ động phòng ngừa bằng cách có sinh hoạt tình dục lành mạnh. Các cặp vợ chồng có ý định mang thai cần khám sức khỏe để nhận tư vấn, trang bị kiến thức đầy đủ.
Mặt khác, bác sĩ Lụa khuyến cáo thêm các cặp đôi nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân từ đó giúp dự phòng bệnh lý di truyền, bệnh truyền nhiễm, dị tật bẩm sinh cho trẻ em trong tương lai.
Trường hợp cha, mẹ có mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần điều trị ổn định trước khi mang thai, tránh nguy cơ lây cho trẻ sơ sinh. Một số bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch cơ thể của người đã nhiễm bệnh như viêm gan B có vaccine chủng ngừa. Do đó, phụ nữ cần tiêm phòng đầy đủ vaccine viêm gan B, thủy đậu, rubella, vaccine ngừa HPV trước khi mang thai.
Tuệ Diễm