Vào dịp Tết, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ dễ bị xáo trộn, dẫn đến suy giảm sức đề kháng. Để bảo vệ sức khỏe của bé, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hướng dẫn cha mẹ lưu ý một số điều dưới đây.
Giữ khoảng cách an toàn
Nhiều bệnh truyền nhiễm như cúm, cảm lạnh, Covid-19, viêm phế quản... có thể lây qua đường hô hấp, khi trẻ tiếp xúc với giọt bắn chứa virus của người bệnh ho, hắt hơi hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân. Phụ huynh tránh cho con tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi, đeo khẩu trang khi ra ngoài, không ăn uống chung đụng. Đồ dùng ăn uống của trẻ như đũa, thìa, dĩa, ly cốc uống nước nên dùng riêng.
Rửa tay thường xuyên
Bàn tay dễ lây truyền mầm bệnh do một số trẻ có thói quen chạm vào mắt, mũi và miệng. Phụ huynh nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch nước sát khuẩn chuyên dụng trong 30 giây, trước và sau khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh.
Giữ vệ sinh không gian sống
Phụ huynh nên mở cửa để lưu thông không khí vào thời điểm nhiệt độ lên cao trong ngày. Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, hút bụi trong nhà. Lau chùi, vệ sinh các bề mặt dùng chung như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, điều khiển tivi bằng dung dịch cồn sát khuẩn, thay vỏ ga gối, giặt rèm cửa để giảm các tác nhân gây bệnh.
Chọn thực phẩm lành mạnh
Các món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, chả giò thường nhiều dầu mỡ, giàu năng lượng. Các loại bánh kẹo, mứt tết, nước ngọt chứa nhiều đường. Một số thực phẩm chế biến sẵn như khô gà lá chanh, thịt gác bếp, ngũ cốc rang muối... nhiều muối có thể chứa chất bảo quản, phẩm màu, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo phụ huynh đảm bảo chế độ ăn ngày Tết cân bằng nhóm chất bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trẻ ăn duy trì đều đặn ba bữa chính trong ngày, ưu tiên nhiều rau xanh, hoa quả tươi giàu vitamin C và chất chống oxy hóa.
Tránh cho trẻ sử dụng đồ ăn tích trữ lâu ngày trong tủ lạnh. Cần lựa chọn thực phẩm tươi sống, rau quả mới thu hoạch. Đồ ăn nên sử dụng trong vòng hai giờ sau khi chế biến tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, gây rối loạn tiêu hóa. Cho trẻ ăn thêm sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
Trẻ uống đủ nước mỗi ngày cũng góp phần tăng cường sức đề kháng. Nước lọc, nước ép trái cây không đường hoặc ít đường, sữa có lợi cho sức khỏe. Lượng nước uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, cân nặng và mức độ hoạt động thể chất. Theo bác sĩ Tuấn, trẻ 1-3 tuổi cần khoảng 4 cốc nước, giai đoạn 4-8 tuổi cần 5 cốc và trên 8 tuổi khoảng 8 cốc mỗi ngày. Mỗi cốc khoảng 240 ml. Hạn chế cho trẻ dùng đồ ăn vặt, uống nước ngọt, đồ uống có gas.
Khuyến khích vận động ngoài trời
Trong kỳ nghỉ dài, cha mẹ bận rộn chúc Tết, tiếp đón khách, nhiều trẻ có xu hướng ít vận động thể chất, dành nhiều thời gian ngồi xem tivi hoặc điện thoại dễ gây hại mắt, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Phụ huynh hạn chế thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử, khuyến khích tham gia hoạt động vui chơi ngoài trời nếu chất lượng không khí tốt giúp tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên người lớn cần giám sát trẻ chặt chẽ để đề phòng những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra như đuối nước, điện giật, bỏng, té ngã... Hướng dẫn trẻ cách thắt dây an toàn khi đi xe ô tô, đội mũ bảo hiểm đúng cách khi đi xe máy.
Duy trì lịch trình ngủ nhất quán
Trẻ thức khuya, thiếu ngủ do háo hức chơi đùa trong các cuộc tụ họp ngày Tết dễ gây suy giảm miễn dịch, tăng viêm nhiễm trong cơ thể. Phụ huynh tránh để trẻ thức quá khuya, cho bé ngủ trưa giấc ngắn để đảm bảo đồng hồ sinh học của cơ thể không bị đảo lộn.
Tránh xa khói thuốc
Tiếp xúc với khói thuốc lá, khói nhang ngày Tết có thể gây kích ứng đường hô hấp, dị ứng ở trẻ. Phế nang mất tính đàn hồi khiến dung tích phổi thu hẹp, lông mao tê liệt, làm tích tụ chất độc, chất nhầy trong phổi, khiến trẻ khó thở, ho dai dẳng. Gia đình có trẻ nhỏ không nên hút thuốc lá, thuốc lào trong nhà.
Tiêm ngừa vaccine
Bác sĩ Tuấn cho biết thời điểm cuối năm cũng là lúc lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, cúm, tay chân miệng, quai bị... Nhu cầu giao lưu đi lại, tụ họp đông người dịp Tết làm tăng nguy cơ hình thành dịch. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi tiêm, giúp ngăn ngừa và giảm tối đa các biến chứng nguy hiểm do các bệnh lý này gây ra.
Theo dõi tình trạng sức khỏe
Gia đình nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc cơ bản như hạ sốt, oresol, men vi sinh... và các vật dụng y tế cần thiết, quan sát kỹ dấu hiệu bất thường ở trẻ. Nếu bé bị sốt cao, ho, khó thở cần đưa đi khám ngay.
Trịnh Mai
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |