Ánh sáng đóng vai trò quan trọng giúp cơ thể xác định được thời gian ngủ và thức. Ánh sáng mặt trời có ảnh hưởng tích cực đến nhịp sinh hoạt tự nhiên của cơ thể. Đồng hồ sinh học trở nên nhạy cảm nhất với ánh sáng khoảng một tiếng sau khi thức dậy và khoảng hai tiếng trước khi đi ngủ, theo Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Nhận được ánh sáng rực rỡ vào buổi sáng giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn và dễ nhận ra thời điểm cần lên giường. Viện Y tế Khoa học tổng hợp Quốc gia Mỹ cho biết, phơi cơ thể đều đặn dưới ánh nắng sớm giúp điều hòa thân nhiệt sau một đêm ngủ dậy.
Cơ thể tự sinh một lượng hormone căng thẳng (cortisol) vào mỗi sáng sau khi thức dậy. Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cơ thể sinh ra một lượng hormone hạnh phúc cho não bộ (serotonin), giúp bạn duy trì trạng thái vui vẻ mỗi ngày và giảm dần lượng hormone căng thẳng từ chiều đến tối. Nhờ đó, bạn cũng dễ vào giấc buổi đêm hơn.
Cơ thể bạn cảm nhận được ngày và đêm bằng cách tiếp xúc với ánh sáng. Ánh sáng mặt trời cũng được sử dụng trong trị liệu các bệnh lý liên quan đến giấc ngủ, như chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn cảm xúc theo mùa. Để tận dụng tối đa khả năng tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng, bạn nên phơi nắng trong vòng một giờ sau khi thức dậy. Mỗi ngày, bạn dành 30-45 phút phơi nắng giấc trước 9 giờ sáng, không cần đeo kính râm, có thể dùng kem chống nắng để bảo vệ làn da.
Tổ chức Giấc ngủ Mỹ cũng cho biết, rèn thói quen dậy sớm cũng góp phần phòng bệnh mất ngủ và dần thay đổi nhịp sinh học. Ánh sáng mặt trời là một trong các giải pháp trị liệu các chứng rối loạn giấc ngủ hiệu quả. Liệu pháp dùng đèn chiếu ánh sáng nhân tạo cũng được áp dụng cho người bệnh không tiện di chuyển ra ngoài trời. Người mắc hội chứng ngủ muộn, mất ngủ... thường được điều trị liệu pháp quang trị liệu, uống melatonin theo hướng dẫn của bác sĩ. Melatonin là hormone tự nhiên tạo ra từ não bộ, báo hiệu cho cơ thể đến giờ đi ngủ.
Mai Chi
(Theo Very Well Health)