Trong khi hàng loạt phim nước ngoài liên tiếp lập kỷ lục phòng vé tại Việt Nam, nhiều phim Việt lại rơi vào cảnh chật vật tìm khán giả, thua lỗ hàng chục tỷ đồng. Nhiều nhà sản xuất thừa nhận nội dung kém là nguyên nhân chính khiến phim Việt thất bại trên chính sân nhà của mình.
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Phonglinh chỉ ra nguyên nhân thất bị của phim Việt trong thời gian gần đây: "Phim muốn hay trước hết phải có nội dung kịch bản tốt, sau đó đến đạo diễn và diễn viên giỏi, cùng đội ngũ làm phim kinh nghiệm. Giờ ai cũng có thể làm phim, làm đạo diễn, đóng phim, thử hỏi làm sao thị hiếu của khán giả có thể dễ dãi mãi được? Phim mà như nồi lẩu thập cẩm thì không lỗ mới lạ. Đã xa rồi cái thời cho người mẫu, người đẹp đi đóng phim, làm 'bình hoa di động'. Khán giả bây giờ không dại gì mất tiền vào rạp xem các người đẹp uốn éo, lý nha lý nhí, diễn xuất cứng đơ, mặt không biểu cảm".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Siu nhận định: "Giá vé như nhau, tất nhiên tôi và nhiều người khác sẽ luôn chọn những phim nước ngoài được đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đôla, cùng kịch bản, diễn xuất được chăm chút kỹ lưỡng. Chúng ta cứ hô hào 'phải ủng hộ phim Việt' nhưng thử hỏi phim Việt làm ra với mục đích 'mỳ ăn liền', moi tiền là chính chứ không hề tôn trọng khán giả, nghĩ người xem dễ dãi, thì làm sao chiếm được tình cảm của khán giả".
Độc giả Bichdt làm phép so sánh các phim Việt theo kiểu "công nghiệp" bây giờ với điện ảnh trong quá khứ: "Diễn viên ngày xưa diễn hay, kịch bản có logic, chiều sâu, xem đi còn muốn xem lại, hài ra hài, bi ra bi, chính kịch ra chính kịch, người xem bị gây ấn tượng mạnh. Ngày nay, nhiều phim Việt học Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Hollywood để đầu tư phim, nhưng khâu chọn diễn, và đạo diễn lại thiếu tinh tế, làm phim thiếu hai chữ 'sáng tạo', hình ảnh, âm thanh thiếu điểm nhấn, nên khó tạo được ấn tượng với khán giả".
>> 'Phim Việt gần chục năm quanh quẩn những kịch bản rập khuôn, dễ đoán'
Bên cạnh màu sắc ảm đạm của thị trường phim Việt thời gian gần đây, nhiều người lại cho rằng đây là một tín hiệu lạc quan cho điện ảnh nước nhà khi khán giả trong nước đã không còn dễ dãi. Bạn đọc Agnes nhấn mạnh: "Phim Việt lỗ là điều dễ hiểu. Điều đó chứng tỏ khán giả Việt đã bớt dễ dãi. Phim nước ngoài có nhiều lớp lang, xem đi xem lại nhiều lần, năm này qua năm khác, mà vẫn thấy có những khám phá mới. Trong khi phim Việt chỉ có một tầng ý nghĩa, kể một câu chuyện còn lủng củng, phi lý, sượng trân.
Người Việt chủ yếu đi xem phim theo cặp hoặc một nhóm, nên họ thường thích những phim nhẹ nhàng, vui vẻ, cười chút là xong. Nhiều khi họ cười vì phim ngớ ngẩn chứ không phải vì sự hài hước gì cả. Nhiều diễn viên thắng được đôi ba phim, lại cứ tưởng bở, đào mãi một miếng hài nhảm. Tôi tin là sắp đến thời phim hài nhảm, phim có diễn viên là ca sĩ, người mẫu, hoa hậu chỉ 'đắp chiếu' hoặc đem chiếu miễn phí online mà thôi".
Đó cũng là cảm nhận của độc giả Quynh Nguyen: "Đây là một tín hiệu đáng mừng với điện ảnh Việt khi gu thẩm mỹ, cảm nhận của người xem đã được nâng cao. Các phim bây giờ không thể mua vui khán giả bằng mấy mảng miếng hài nhảm vớ vẩn nữa. Tình tiết gây cười là để hạ nhiệt độ căng thẳng của phim, chứ không phải là yếu tố quyết định cho toàn bộ phim. Bỏ tiền mua vé xem phim ở rạp quan trọng hơn hết là nội dung tác phẩm, đài từ và diễn xuất của diễn viên hài hòa cùng hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sống động".
"Sự ưu ái của khán giả Việt với phim Việt thời gian dài trong quá khứ đã góp phần tạo ra doanh thu khủng cho các phim trong nước. Nhưng nếu cứ làm phim ăn theo thị hiếu thế này thì sẽ không thể tồn tại được lâu. Khâu yếu nhất của phim Việt Nam chính là ở kịch bản. Thế nhưng, các biên kịch Việt lại không được tưởng thưởng xứng đáng và coi trọng nên khó thu hút được các nhân tài.
Ngoài ra, các nhà đầu tư phim Việt cũng thiếu khát khao, tham vọng để phim Việt vươn mình sánh vai cùng các nền điện ảnh lớn thế giới. Chúng ta hiện chủ yếu đầu tư phim với tâm lý đi buôn chuyến, nhiều nhà đầu tư còn đầu tư phim để PR bản thân. Tôi rất tâm đắc với câu nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Muốn dẫn đầu phải cạnh tranh với người đang dẩn đầu'. Chúng ta phải xem điện ảnh là một nền công nghiệp thực thụ và làm phim một cách nghiêm túc, chỉn chu, chuyên nghiệp", bạn đọc Thinh Duc Nguyen kết lại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.