Đọc bài viết "Ngáp ngắn ngáp dài xem phim Nhà bà Nữ", cá nhân tôi không đồng tình khi cho rằng doanh thu phòng vé không phản ánh được chất lượng của tác phẩm điện ảnh. Ngược lại, tôi tin rằng, để đánh giá một bộ phim là thành công hay thất bại thì kênh chính xác nhất chắc chắn là doanh thu bán vé.
Hãy xem những bộ phim quốc tế để đời trong lịch sử điện ảnh, tất cả đều có doanh thu phòng vé cao kỷ lục. Tất nhiên, những con số thống kê không thể đảm bảo cho việc một bộ phim hay một cách toàn diện, bởi đâu đó vẫn sẽ có những hạt sạn. Thậm chí, nhiều tác phẩm có kịch bản được giới chuyên môn đánh giá rất cao, thắng nhiều giải thưởng lớn, nhưng diễn viên không thể hiện được thì cuối cùng vẫn nhận giải "Mâm xôi vàng" như thường. Đó là các khía cạnh hoàn toàn khác nhau.
Quay trở lại đẳng cấp điện ảnh trong nước, chúng ta - những khán giả xem phim hãy nhớ rằng phim này đâu có đem chiếu quốc tế, đâu có dự liên hoan phim và cũng chưa có đề cử gì cả. Thế nên, nếu vội vàng đánh giá chất lượng Nhà bà Nữ theo các tiêu chuẩn chuyên môn của một phim hàn lâm, nặng về nghệ thuật thì liệu có công bằng với nhà làm phim?
Còn nếu nói đến sức hút của tác phẩm. Điều đơn giản nhất là hãy so sánh phim với vài cái tên trong làng điện ảnh ra rạp cùng thời điểm để thấy sự khác biệt. Hãy so sánh về doanh thu của các phim đó so với Nhà bà Nữ, chúng ta sẽ thấy được sự chênh lệch rất lớn. Trong khi nhiều phim con đang lo hoàn vốn thì phim của Trấn Thành đã cán mốc 250 tỷ đồng, dẫn đầu cuộc đua phòng vé Tết Quý Mão, thiết lập nhiều kỷ lục mới trong làng phim Việt. Đó rõ ràng là minh chứng đậm nét cho thành công của tác phẩm.
Còn nói về nội dung - thứ mà nhiều người đem ra để chê bai Nhà bà Nữ, tôi cho rằng sẽ là thiếu công tâm nếu khán giả chỉ mải so sánh với hài kịch, hoặc các phim của miền Bắc. Đơn giản vì mỗi vùng miền đều có một đặc trưng văn hóa riêng, phong cách làm phim khác nhau để phù hợp với thị hiếu của mỗi nhóm khán giả. Nếu chúng ta để ý kỹ các bộ phim của miền Nam sản xuất, có thể thấy diễn xuất của các diễn viên, cũng như nội dung mô tả đời sống sẽ khác biệt so với các vùng miền khác. Việc nét văn hóa vùng miền tràn đầy ra trong phim vì thế cũng là điều hiển nhiên.
>> Phim Việt tràn ngập cảnh giả trân
Có người lại đem so sánh Nhà bà Nữ với các tác phẩm thuộc tầm quốc tế, mà quên mất rằng mục tiêu của phim là chiếu trong nước, phục vụ cho khán giả đại chúng Việt Nam. Và với đối tượng khán giả mục tiêu như thế, tôi nghĩ chẳng ai lại đi làm phim không lời, ít thoại, nặng tính hàn lâm, đánh đố người xem cả. Với một nội dung đời thường về tình mẫu tử, bạn sẽ muốn xem một bộ phim chân thực, gần gũi, dễ hiểu, dễ cảm hay một bộ phim đánh đố, "hack não", nhiều cài cắm, lớp lang?
Tôi cũng thấy một số ý kiến cho rằng, Nhà bà Nữ thắng lớn ở phòng vé đơn giản do thời thế. Khi mà có quá ít phim ra rạp cùng thời điểm, không có những tác phẩm bom tấn, nặng ký cạnh tranh, khán giả không có gì xem nên mới đến rạp xem phim của Trấn Thành. Lập luận đó hết sức vô lý. Bởi nếu phim không hay thì những người xem đầu tiên đã lên mạng chê bai, giới phê bình đã đánh giá tiêu cực rần rần rồi. Vậy thử hỏi những người sau có còn muốn bỏ tiền ra mua vé? Mà tiền trong túi họ, xem gì là do họ thích,họ chọn. Tóm lại, doanh thu nói lên tất cả về chất lượng của một bộ phim ra rạp.
Vẫn còn đó những người chê "phim chẳng có chiều sâu", nói "phim xem xong không đọng lại gì", hay đánh giá "phim nhạt như nước ốc"... Tôi nghĩ đó là điều bình thường với mọi tác phẩm cả trong nước và quốc tế, vì quan điểm và gu thẩm mỹ của mỗi người, mỗi đối tượng, mỗi khác. Chẳng nói đâu xa, như chương trình Táo Quân cũng vậy. Năm này chiếu xong, người ta cũng đua nhau chê bai này nọ nhưng hỏi năm sau có xem tiếp không thì họ vẫn xem, vậy thử hỏi chất lượng của chương trình cao hay thấp mà vẫn giữ chân được khán giả?
Nói tóm lại, ngay cả một đạo diễn lừng danh như James Cameron làm phim ra cũng có người khen, người chê. Nhưng tại sao người ta vẫn gọi ông là một đạo diễn đại tài? Bởi đơn giản, hãy nhìn doanh thu phòng vé các tác phẩm của ông là thấy. Phim hay - dở là khía cạnh cảm tính cá nhân, nhưng những con số thì không biết nói dối, và nó phản ánh chính xác nhất chất lượng của một tác phẩm điện ảnh.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.