Có thể nói, phim Việt Nam hiện nay đang mất đi lợi thế ngay trên chính "sân nhà" do sự cứng nhắc trong diễn xuất, nghèo nàn về mô típ và thiếu chiều sâu. Dù cho phía nhà sản xuất đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông, quảng bá hoặc mời những tên tuổi nổi bật trong giới showbiz, song cốt lõi nằm ở cái "chất" cần có của một tác phẩm điện ảnh thì dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mực.
Trong lần được phỏng vấn gần đây nhất, đạo diễn Lê Hoàng đã không ngại ngần nói rằng: "Điện ảnh Việt Nam là số không trên bản đồ thế giới" khiến ai nghe cũng phải thoáng buồn. Nếu đã từng xem qua các bộ phim của phương Tây, ta có thể thấy rằng họ đặc biệt chú trọng đến khâu truyền tải thông điệp, ý nghĩa thông qua các cảnh quay lẫn các chi tiết có trong phim một cách vô cùng sáng tạo, hầu như không có sự rập khuôn và lắng đọng về mặt cảm xúc.
Nhân vật chính của phim 'Forest Gump' chỉ là một anh chàng bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh nhưng những sự kiện trong cuộc đời của chàng ta lại là sự "khôn ngoan" một cách lạ lùng. Yếu tố nghệ thuật đúng nghĩa của một bộ phim chính là nó có thể lột tả được những điều kỳ diệu của cuộc sống mà không nhiều người trong chúng ta không nhận thấy hoặc bị che lấp giữa dòng đời. Thiếu đi yếu tố này thì khó có thể tạo nên những tác phẩm bất hủ hoặc sâu xa hơn là những tượng đài Oscar vàng chói mà nền điện ảnh của bất kỳ quốc gia nào cũng khao khát.
>> 'Phim Việt lỗ nặng vì khán giả không còn dễ dãi'
Gần đây, bộ phim "Huyền sử vua Đinh" chỉ thu về vỏn vẹn 20 triệu đồng sau một tuần lễ công chiếu tại các rạp đã dấy lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà làm phim trong nước. Đề tài lịch sử vốn dĩ là một chủ đề khô khan, đòi hỏi nhà làm phim cần phải có một cách tiếp cận, diễn giải độc đáo, mới mẻ về sự kiện hay nhân vật trong thời điểm mà phim chọn lấy bối cảnh.
Đơn cử như ở Trung Quốc, giai đoạn Tam quốc phân tranh chỉ kéo dài vỏn vẹn chưa đến một thế kỷ song nền điện ảnh nước này đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm điện ảnh khắc họa từ đại cục cho đến từng anh hùng, hào kiệt như Triệu Vân, Quan Vân Trường,... thu về doanh thu rất khủng trên phạm vi toàn cầu và được giới chuyên môn đánh giá rất cao ở nhiều khía cạnh.
Lịch sử của ta cũng hào hùng không kém với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, rất đỗi dồi dào về chất liệu lẫn tư liệu nhưng cho đến nay vẫn chưa có một bộ phim nào vang danh tại Cannes hay các liên hoan phim trong khu vực. Phim Việt thường bê y nguyên đời sống vào phim và diễn đạt một cách thật cường điệu, thiếu chân thực, tự nhiên từ lời thoại cho đến yếu tố diễn xuất.
Chưa bao giờ là quá muộn để thay đổi và để thực hiện được điều đó, các nhà làm phim và phía nhà sản xuất cần đặt ra những tiêu chuẩn, những mục tiêu khác thay vì chỉ chăm chăm vào nguồn thu đến từ các phòng vé. Chỉ khi đó, vị thế của điện ảnh Việt mới có thể đạt được những bước tiến nhất định trong nước để rồi dần tiến ra thế giới, đến với bạn bè năm châu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.