Dù đã được cảnh báo từ các bài review trên mạng, nhưng tôi vẫn quyết đặt vé xem một trong những bộ phim Việt "nổi đình nổi đám" trong thời điểm hiện tại là Nhà bà Nữ, ít nhất để xem nó hay - dở thế nào, có đúng với những đánh giá không tốt thời gian qua hay không? Và dù đến rạp với tâm thế ủng hộ một tác phẩm điện ảnh Việt, tôi vẫn không thể phủ nhận rằng những review chê bai của nhiều người xem là có cơ sở. Sự thật là tôi đã ngáp ngắn ngáp dài khi phim mới chiếu được nửa thời gian. Nếu không phải vì tiếc tiền vé và đi với người thân thì có lẽ tôi đã về từ sớm.
Tất nhiên, ở đây, tôi không có ý tập trung đánh giá duy nhất tác phẩm này. Vì xét ở một khía cạnh nào đó, những vấn đề mà Nhà bà Nữ mắc phải gần như đại diện cho hầu hết những tồn tại bấy lâu nay của phim Việt. Sau đây là những gì tôi cảm nhận được từ bộ phim này:
1. Diễn xuất của các diễn viên trẻ dù có nét nhưng quá sượng và thiếu tự nhiên: Những Uyển Ân, Khả Như, Song Luân rõ ràng cho thấy nhiều hạn chế trong diễn xuất, ở một khoảng cách khá xa so với các diễn viên gạo cội. Rất may là kinh nghiệm diễn xuất của những nghệ sĩ như Việt Anh, Ngọc Giàu và Trấn Thành vẫn còn rất tốt để gỡ gạc lại cho phim. Đây cũng chính là vấn đề tồn tại trong phần lớn những tác phẩm điện ảnh Việt bây giờ, khi lối diễn xuất thiếu tự nhiên, đôi khi đến mức giả trân của thế hệ diễn viên trẻ khiến người xem khó lòng cảm được cái hay của tác phẩm.
2. Kể lể quá dài dòng: Một nguyên tắc trong việc kể một câu chuyện chính là "Show, don’t tell" (tạm dịch là "hãy diễn thay vì kể lể"). Hãy để người xem tự cảm nhận nội dung mà bộ phim truyền tải qua diễn xuất của các nhân vật, chứ đừng nhồi nhét cho khán giả một cách thô thiển bằng lời nói.
Nếu những ai từng xem Avatar 2 chắc hẳn sẽ còn nhớ rất rõ cảnh người trời săn Tunkul. Đó là cách mà đạo diễn James Cameron ám chỉ đến việc săn cá voi ngoài thực tế. Và cảnh các nhà khoa học săn một con Tulkun chỉ để lấy chất dịch, làm chúng ta liên tưởng đến việc săn cá mập lấy sụn hay săn tê giác lấy sừng ngoài đời. Đó là một ví dụ kinh điển cho nguyên tắc "Show, don’t tell".
Nhưng với Nhà bà Nữ hay các tác phẩm điện ảnh Việt gần đây thì hoàn toàn ngược lại. Đa số những nội dung mà đạo diễn muốn truyền tải đều như được nhồi nhét vào đầu người xem một cách thô thiển, chứ không để họ tự cảm nhận. Trong Nhà bà Nữ, chỉ có duy nhất một thông điệp làm đúng với nguyên tắc "Show, don’t tell" chính là hình tượng nữ quyền độc hại làm cánh đàn ông trở nên vô dụng, mất tiếng nói và không có được sự tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận. Tiếc rằng, điều đó quá ít ỏi trong một tác phẩm nặng về kể lể.
>> Phim Việt tràn ngập cảnh giả trân
3. Cách xây dựng nhân vật có vấn đề: Ở đây, rõ nhất là nhân vật Nhi. Để một nhân vật từ hiền dịu, nết na trở thành một con người chua ngoa, móc mỉa, đanh đá cần phải có một quá trình phát triển rõ ràng nhưng kịch bản không cho chúng ta thấy điều đó mà tính cách của nhân vật này quay ngoắt 180 độ ngay khi vừa mới xuất hiện điều không vừa ý. Và bản thân nhân vật này không khác nào một "bà hoàng đạo lý" khi chỉ nói được mà không làm được.
Và quá trình từ cuộc hôn nhân đổ vỡ, khởi nghiệp thất bại đến khi thành công trong việc làm gốm cũng không được thể hiện rõ ràng. Nếu ai có tìm hiểu sẽ biết, để thành công trong nghề làm gốm không phải là chuyện ngày một ngày hai. Rõ ràng, xét về khía cạnh xây dựng phát triển tâm lý của nhân vật, bộ phim đã làm không tốt. Và đây cũng là lỗi chung của rất nhiều những tác phẩm điện ảnh Việt cùng thời.
4. Lạm dụng chửi thề: Một đặc điểm rất dễ nhận ra trong các bộ phim Việt ngay nay chính là những câu chửi thề. Tôi đồng ý rằng trong cuộc sống dân dã thì những câu chửi thề đó không hề thiếu mà còn xuất hiện khá nhiều. Nhưng những câu chửi thề xuất hiện quá nhiều, đến nỗi những phân đoạn không cần nhưng nhân vật vẫn cứ chửi. Điều đó không những phản tác dụng mà còn khiến người xem vô cùng khó chịu.
Đó là những suy nghĩ của tôi sau khi "cố" xem hết bộ phim đang thắng lớn về mặt doanh thu phòng vé Việt này. Có lẽ tôi thuộc thành phần khán giả khó tính nên không "cảm" được những cái hay của tác phẩm chăng? Không phủ nhận các đạo diễn Việt vẫn rất giỏi trong việc nắm bắt tâm lý giới trẻ và tích cực đưa những yếu tố đời thực nhất vào trong bộ phim. Nhưng vấn đề là ở chỗ họ vẫn bị cường điệu hóa quá mức thành các drama để câu khách. Và điều đó vô tình làm giảm đi giá trị của những bộ phim này.
Dĩ nhiên, các bộ phim Việt như của Trấn Thành vẫn sẽ rất hot ở thị trường trong nước. Nhưng để đạt được thành công ở các thị trường khác như các bộ phim của Thái, Nhật, Hàn thì tôi nghĩ là còn rất lâu nữa phim Việt mới làm được nếu vẫn cứ bảo thủ với cách làm phim dễ dãi như hiện tại. Nên nhớ, doanh thu của một bộ phim không mô tả được toàn bộ chất lượng của nó.
Trunkslessj
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.